Một gia đình hoàng tộc đi làm cách mạng Kỳ 1
Ngày đăng: 04/02/2018 19:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/02/2018 19:11
Kỳ 1: Đạm Phương nữ sử
Tên thật của bà là Công Tôn Nữ Ðồng Canh. Ðạm Phương được triều đình cho vào cung dạy các công chúa nên được phong là nữ sử. Khi viết báo, làm thơ, viết sách bà ký tên là Ðạm Phương nữ sử.
Đạm Phương nữ sử xuất thân trong một gia đình thế phiệt trâm anh, lừng danh khắp ba miền Trung, Nam, Bắc.
Cha bà là Nguyễn Phúc Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mệnh, được phong là Hoằng Hóa quận vương. Hoằng Hóa quận vương được mở phủ và làm việc giữa thời kỳ lịch sử rối ren. Tự Đức băng hà, ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc lần lượt trở thành người thiên cổ trong lao tù. Hoằng Hóa quận vương đi sứ sang Pháp được Tổng thống Pháp tiếp kiến nhưng việc ngoại giao không thành, ông bị hạ phẩm hàm, giam lỏng rồi đưa đi quản thúc.
Công Tôn Nữ Đồng Canh sinh năm 1881 được gia đình cho học hành chu đáo. Năm 15 tuổi bà đã thông thạo Hán văn, Pháp văn, âm nhạc, thơ phú... Năm 16 tuổi bà về làm vợ ông Nguyễn Khoa Tùng, hậu duệ đời thứ 6 của ông Nguyễn Khoa Chiêm (một danh sĩ thời chúa Nguyễn Phúc Chu).
Sau Nguyễn Khoa Chiêm là Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Khoa Kiên… những nhân vật nổi tiếng của thế kỷ 18 thời các chúa Nguyễn.
Đạm Phương nữ sử có lợi thế từ vốn văn hóa sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản dân chủ Pháp. Bà còn được tiếp xúc với các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… tri thức và những mối quan hệ đó đã thúc đẩy Đạm Phương nữ sử chuyển hóa nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại.
Năm 1926, Đạm Phương nữ sử sang lập Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm đội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi Chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận. Hội thu hút nhiều hội viên từ ba miền Bắc, Trung, Nam và Lào tham gia sinh hoạt theo định kỳ. Chương trình hoạt động của Hội rất phong phú, cụ thể và thiết thực. Tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ, đọc thông viết thạo; tổ chức dạy chuyên đề để nâng cao hiểu biết cho những hội viên đã biết chữ; sau cùng là dạy đại cương về giáo dục phụ nữ, dạy cách nấu ăn, dạy những nghề thông dụng để phát triển thành một nghề để kiếm sống. Hội còn cung cấp tri thức và kinh nghiệm tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, đồng thời tạo điều kiện cho chị em làm quen với hoạt động tập thể, tiến tới tham gia công việc xã hội, đã trở thành chỗ dựa cho phong trào nữ hoạc sinh Trường Đồng Khánh, Trường Quốc học Huế bãi khóa. Các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức trẻ Đào Duy Anh, Nguyễn Lân rất hoan nghênh và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của Hội đã góp phần vào thành công và nâng cao uy tín của Hội. Xu hướng tiến bộ của Nữ công học hội Huế dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương nữ sử được dư luận, báo chí đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Ảnh hưởng của Hội lan truyền khắp cả nước đã dấy lên phong trào hoạt động xã hội tích cực của phụ nữ ở các vùng: Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Sài Giòn, Gia Định, Cần Thơ…
Năm 1929, Đạm Phương bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam bởi hoạt động của bà đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào yêu nước, bởi các con trai bà hoạt động trong các tổ chức cộng sản yêu nước bị lộ. Hai tháng sau bà được thả nhưng được tự do hoạt động và ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn.
Trong khoảng 10 năm, từ 1918 đến 1929, Đạm Phương là một trong những phụ nữ nổi tiếng trong các hoạt động xã hội và hoạt động văn học - báo chí. Tổ chức Nữ công học hội Huế của bà đã hoạt động tích cực và hiệu quả với các chương trình mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức của phụ nữ. Bà có khoảng gần hai trăm bài báo, tất cả đều viết theo các chuyên đề hướng dẫn phụ nữ cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình. Nhờ hoạt động và các bài viết của bà, nhiều phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã có thể tiếp cận tri thức mới, tư tưởng mới.
Năm 1918, Công Tôn Nữ Đồng Canh với bút danh Đạm Phương nữ sử chính thức xuất hiện trên các báo, tạp chí ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Bà tham gia viết bài cho các tờ báo lớn, uy tín: Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Hữu Thanh… giữ chuyên mục “Lời đàn bà” trên báo Thực nghiệp, trợ bút đắc lực cho báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục “Văn đàn bà” của báo từ năm 1919 đến năm 1928. Với mong muốn dùng báo chí như một công cụ đấu tranh đắc lực cho quyền tự do, dân chủ của con người và quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1918, Đạm Phương liên tục có bài đăng trên nhiều tờ báo uy tín khắp cả nước. Để mau chóng đạt được mục đích bà còn vận động thành lập một tờ báo dành riêng cho phụ nữ và tờ Phụ nữ Tùng san đã ra đời vào tháng 5 năm 1929 ở Huế, góp phần giúp bà tuyên truyền cho phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ và triển khai các hoạt động của Nữ công học Hội. Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, Đạm Phương còn đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng nền quốc văn bằng cách liên tục cho xuất hiện trên báo chí thời đó nhiều bài viết thuộc nhiều thể loại văn chương khác nhau như khảo cứu, nghị luận, ký… Nhưng vượt lên trên tất cả những đóng góp có ý nghĩa ấy trong tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà giáo dục là tư tưởng dân chủ tiến bộ được chuyển tải rõ ràng, sắc sảo, đầy thuyết phục trong tất cả các bài viết mà bà dày công chăm chút. Đạm Phương cảm nhận hết sức sâu sắc ý nghĩa của tự do, dân chủ, bình đẳng đối với sự phát triển năng lực và hạnh phúc riêng tư của người phụ nữ. Tuyên bố nữ quyền của Đạm Phương được tóm tắt thật đầy đủ, khúc triết.
(Còn nữa)
LÊ XUÂN KỲ
Theo Baodulich.net.vn