Triển khai công tác dân tộc năm 2018
Ngày đăng: 05/02/2018 08:03
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/02/2018 08:03
Sáng 02/2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác dân tộc năm 2018. Dự Hội nghị có ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phạm Thị Phước An – Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Sở ngành, cán bộ phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2017, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đối tượng góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo. Đối với Chương trình 135, toàn tỉnh có 184 xã, 231 thôn, buôn đồng bào khó khăn được đầu tư giai đoạn 2017-2020. Đến nay, chương trình đã đầu tư 178 công trình đường giao thông, 21 công trình nhà văn hóa, 10 công trình trường học, duy tu bảo dưỡng nhiều công trình đường giao thông, kênh mương; hoạt động truyền thông nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở đạt 100% kế hoạch giao. Công tác hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009 đã triển khai đến 64.511 hộ với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng. Nguồn vốn của Ngân hàng chính sách đã được giải ngân mạnh phục vụ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay chuyển đổi nghề, hỗ trợ định canh, định cư, nước sinh hoạt, phát triển quỹ đất sản xuất,….
Đối với chính sách cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với địa phương xây dựng hoạt động chú trọng đến các cấp thôn, buôn ở vùng sâu, vùng xa. Đến nay, 1.018 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chính sách pháp luật, cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí, ấn phẩm. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức tuyên dương kịp thời tấm gương tiêu biểu và tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài ra, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo dành cho học sinh, sinh viên các cấp học vùng dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ học bổng, sách vở, cấp phát gạo,…Năm học 2016-2027, tỉnh hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh là 18,5 tỷ đồng. Hệ thống cơ cở vật chất được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 87 tỷ đồng. Tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp học mẫu giáo duy trì đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm xây dựng đề án công tác bảo tồn và phát triển văn hóa đối với chữ viết, tiếng nói, nghi lễ, lễ hội, đa dạng hóa loại hình du lịch truyền thống gắn với vùng dân tộc thiểu số.
Về nhiệm vụ năm 2018, tỉnh xác định tiếp tục lồng ghép các chương trình, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng thiết yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là thủy lợi, giao thông, điện, trường học vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện bố trí, sử dụng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số có năng lực và được đào tạo bài bản. Đổi mới các phương thức tuyên truyền, trợ giúp pháp lý đến đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai hiệu quả Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh biểu dương những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và sự phối hợp chặt chẽ của Sở, ngành trong việc triển khai công tác dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử, hỗ trợ thông tin trực tuyến phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu chính sách chiến lược cho công tác dân tộc trong tình hình mới. Tập trung đánh giá lại hiệu quả các Chương trình, dự án, chính sách đang triển khai để có hướng lồng ghép và khắc phục bất cập cho đối tượng thụ hưởng. Sở, ngành ban hành hướng dẫn và đôn đốc các huyện triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số ; phối hợp chặt chẽ để phân bổ nguồn vốn đầu tư đúng quy định, thường xuyên thanh, kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ.
Nguồn: daklak.gov.vn