Thể thao Đắk Lắk một năm nhìn lại
Ngày đăng: 02/02/2018 09:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/02/2018 09:17
Năm 2017, là một năm tất bật, bận rộn của thể thao Đắk Lắk. Mảnh đất Tây Nguyên giàu đẹp, hiếu khách liên tục được Tổng cục Thể dục thể thao tín nhiệm, chọn làm địa điểm đăng cai nhiều giải đấu uy tín, chất lượng, quy mô quốc gia…
Theo thống kê, trong năm 2017, Đắk Lắk đã đăng cai 7 giải quan trọng. Đó là: Giải vô địch các câu lạc bộ mạnh Karatedo quốc gia, Giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc, Giải Bóng rổ trẻ quốc gia, Giải bắn súng hơi thanh thiếu niên quốc gia, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, khu vực II, Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc. Các giải đấu này được rải đều trong cả năm nhằm giúp địa phương đăng cai chủ động, có thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, giúp giải thành công tốt đẹp.
Một trong những giải đấu quan trọng, diễn ra vào cuối năm là Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas năm 2017- giải đấu đỉnh cao, hấp dẫn nhất của của môn bóng chuyền, nơi có sự góp mặt của đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk. Để đưa giải đấu này về địa phương, phục vụ người hâm mộ sau nhiều năm chờ đợi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời tranh thủ các mối quan hệ để Đắk Lắk được chọn làm đơn vị đăng cai trong sự cạnh tranh quyết liệt của các tỉnh khác. Những nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được đền đáp xứng đáng khi các cô gái của đội tuyển Bóng chuyền nữ Đắk Lắk dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên tài ba Nguyễn Thu Hương cùng lợi thế được thi đấu trên sân nhà, dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả đã làm nên một kỳ tích, tạo nên bất ngờ lớn nhất giải khi giành tấm vé trụ hạng trong lần đầu tiên góp mặt để không phụ lòng của người hâm mộ cũng như những người làm công tác quản lý thể dục thể thao.
Không phải ngẫu nhiên Đắk Lắk được lựa chọn là điểm đăng cai những giải quan trọng trên, trong đó có giải liên tục được đăng cai 5 lần như Giải vô địch các câu lạc bộ mạnh Karatedo quốc gia (từ năm 2013 đến nay). Theo nhận định của lãnh đạo Tổng Cục thể dục thể thao thì Đắk Lắk hội đủ 3 yếu tố để làm nên thành công của một giải đấu, đó là: cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ trọng tài đủ năng lực, trình độ phối hợp điều hành các giải đấu và khán giả Đắk Lắk rất đam mê, hâm mộ thể thao.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở và được minh chứng rõ nét khi kết thúc các giải đấu Đắk Lắk đều để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong các đoàn vận động viên dự giải về khâu tổ chức chuyên nghiệp. Đơn cử như có những giải đấu có số lượng vận động viên đông, thi đấu ở nhiều nội dung và kéo dài đến hơn 3 tuần như Giải bóng rổ trẻ quốc gia, hay như Giải bắn súng hơi thanh thiếu niên quốc gia, đội ngũ nhân viên phục vụ Nhà thi đấu và trọng tài phải làm việc hết công suất, từ 7 giờ sáng đến hơn 22 giờ đêm để làm công tác chuẩn bị mọi mặt và điều hành giải mà không gặp sự phàn nàn về cơ sở vật chất hoặc khiếu kiện liên quan đến chuyên môn.
Những giải đấu được tổ chức liên tục, quy mô, với số đoàn tham dự nhiều, lực lượng vận động viên hùng hậu, diễn ra trong thời gian dài là cơ hội vàng để Đắk Lắk quảng bá hình ảnh với bạn bè trong nước, kích cầu du lịch phát triển. Đơn cử như, các giải: Vô địch Boxing trẻ toàn quốc, diễn ra đến 10 ngày (từ 18 đến 27-6), hay như Hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, khu vực II, diễn ra trong 5 ngày (từ 31-5 đến 4-6) đã có tổng cộng trên 800 vận động viên, cán bộ quản lý đến Đắk Lắk. Thời gian lưu trú nhiều cùng với ấn tượng về lòng hiếu khách, niềm nở của người dân Tây Nguyênđã thôi thúc các đoàn dành thời gian tham quan, tìm hiểu, không bỏ qua cơ hội quý khám phá vẻ đẹp của Đắk Lắk qua những danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước như: khu du lịch Buôn Đôn, Hồ Lắk… Đó cũng chính là một trong những mục tiêu mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk với tầm nhìn chiến lược dài lâu hướng đến ngoài yếu tố chuyên môn của thể thao.
Đăng Triều