Không gian Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội
Ngày đăng: 21/02/2018 07:51
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/02/2018 07:51
Không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc gỗ Tây Nguyên là những tinh hoa văn hóa có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên không chỉ “bám trụ” tại chỗ như cây kơ nia làm đẹp cho buôn làng mà còn góp vào hương sắc trăm miền, hình thành nên một không gian Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội.
Từ năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiến hành phục dựng một ngôi nhà dài tại khu trưng bày ngoài trời. Nguyên mẫu của ngôi nhà dài này là nhà bà H’Đánh Êban (ở buôn Ky, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), được xây dựng từ năm 1967. Để ngôi nhà dài có đủ chiều dài “như xưa”, Bảo tàng Dân tộc học còn mua thêm một căn nhà dài khác ở huyện Lắk nối kết lại; các vật liệu như tre, lồ ô, nứa, dây mây, lá mây, cỏ tranh... để làm sàn, mái, vách đều khai thác từ Đắk Lắk. Tháng 6-2003, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã phục dựng và đưa vào sử dụng nhà rông Tây Nguyên theo nguyên mẫu nhà rông làng Kon Rbàng (Kon Tum). Công trình này cũng nằm trong khu trưng bày ngoài trời, bên cạnh nhà dài dân tộc Êđê và nhà mồ dân tộc Bhanar.
Làng Dân tộc Êđê thuộc Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được khởi công xây dựng vào ngày 2-10-2008 và hoàn thành vào ngày 23-11-2009 trên khu vực có diện tích khá rộng. Nhà dài là công trình lớn nhất tại Làng dân tộc Êđê, với chiều dài khoảng 52m, chiều rộng khoảng 6m, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh mái khoảng 6,6m; bên cạnh còn có 2 kho lúa. Ngoài ra có có 2 nhà mồ có chiều dài khoảng 10m; chiều rộng khoảng 2,4m; chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh mái khoảng 2,8m. Đặc biệt, trong không gian Làng dân tộc Êđê còn có một sân đua voi có kích thước 30 m x 100 m.
Nhà dài Êđê phục dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lưu giữ nhiều nét kiến trúc đặc trưng. Ngôi nhà chứa đựng những tinh hoa điêu khắc, tạo hình của dân tộc Êđê: những mô-típ quen thuộc biểu hiện chế độ mẫu hệ và sự phồn thực được phô bày như bầu vú mẹ, nồi đồng; những hình ảnh biểu thị sự giàu có như sừng trâu, chiêng, ché, voi...; những tác phẩm khác nói về sự đa dạng của sản vật như hình rau dớn, rùa, ba ba, kỳ đà, cua, cá... Trong phòng chính còn bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, ghế chủ nhà ngồi tiếp khách, bếp lửa... Cây cầu thang nhà dài Êđê khắc chạm hình hai bầu vú mẹ, nồi đồng, ngôi sao, mảnh trăng non… Những gian phòng khác trưng bày các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như gùi, quả bầu khô, giới thiệu bộ trang phục truyền thống Êđê, nhạc cụ như trống, chiêng, kèn đinh năm... Vào dịp lễ hội, một số nghệ nhân dân tộc Êđê về đây tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, diễn tấu nhạc cụ, dệt vải thổ cẩm... phục vụ khách tham quan du lịch.
Nhiều công trình kiến trúc của các dân tộc Tây Nguyên đã được phục dựng tại những địa điểm, không gian văn hóa thuộc Thủ đô Hà Nội như nhà rông của dân tộc Bhanar, nhà rông J’rai, nhà dài Êđê, nhà dài M’nông và một số công trình liên quan như nhà mồ, rừng tượng gỗ... Đây là những dấu ấn kiến trúc nổi bật ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Vào những dịp như Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc hằng năm, nghệ nhân các dân tộc từ buôn làng Tây Nguyên được mời về Hà Nội tham gia trại sáng tác điêu khắc gỗ. Nhờ đó, đã có hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ được sáng tác, trưng bày, lưu giữ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc tại Đồng Mô, Hà Tây (Hà Nội). Du khách tới đây được chứng kiến những nghệ nhân tài hoa của vùng Tây Nguyên thể hiện tài nghệ điêu khắc của mình. Những bức tượng gỗ luôn chứa đầy chất huyền thoại, kể lại câu chuyện ngày xưa để du khách hiểu thêm về nét hoang sơ, độc đáo trong văn hóa của từng dân tộc và hiểu hơn về sự tài hoa, lao động sáng tạo của các nghệ nhân khi họ gửi cả trái tim, khối óc của mình vào trong đó.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Tây Nguyên với các dân tộc khác trên các vùng miền của Tổ quốc. Đồng bào đến đây như về ngôi làng thứ hai của mình. Dưới mái nhà dài của người Êđê, các nghệ nhân ngồi trên chiếc ghế Kpan đánh chiêng, phụ nữ ngồi dệt vải. Trong ngôi nhà dài của người M’nông tái hiện nghi lễ cúng sức khỏe, lễ kết nghĩa anh em, tiếng chiêng ngân dìu dặt như đêm hội ở làng, bon. Tại khu nhà mồ, các nghệ dân người Bhanar tái hiện lễ bỏ mả, trình diễn các điệu múa xoang xung quanh nhà mồ với hóa trang hoang sơ, những ché rượu cần ngất ngây men say; trước sân nhà rông tái hiện lễ tạ ơn sinh thành, lễ hội mừng mùa... đưa du khách phiêu du đến buôn làng Tây Nguyên.
Một không gian Tây Nguyên với nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc đã góp phần làm đẹp cho ngôi nhà chung các dân tộc Việt Nam giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Tấn Vịnh
Nguồn: Báo Đắk Lắk