Hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
Ngày đăng: 21/02/2018 14:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/02/2018 14:11
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
“Chủ rừng” là tổ chức gồm các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thông tư quy định sử dụng tiền đối với chủ rừng, cụ thể:
Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.
Chủ rừng là tổ chức không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, phần diện diện tích còn lại chủ rừng tự bảo vệ thì toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được coi là nguồn thu của chủ rừng, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức.
Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định hiện hành; bao gồm: Các hạng mục công trình lâm sinh, các công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng; lập hồ sơ, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị và các hoạt động khác phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; chi trả lương và các khoản có tính chất lương đối với các đối tượng không hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và các hoạt động khác phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trường hợp chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng được trích không quá 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ nêu trên để chi cho công tác quản lý các khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm: lập hồ sơ, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị và các hoạt động khác phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với người tham gia thực hiện chi trả, tùy theo tình hình tài chính của đơn vị, chủ rừng quy định mức bồi dưỡng và trả tiền bồi dưỡng từ nguồn kinh phí quản lý. Số tiền còn lại sau khi trích kinh phí quản lý được chủ rừng chi trả cho bên nhận khoán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, các đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng phải chịu trách nhiệm công khai danh sách đối tượng được chi trả, kế hoạch chi trả hàng quý, hàng năm theo quy chế dân chủ tại cơ sở bằng các hình thức: Niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và tại nơi họp công đồng dân cư thôn, bản…; Thông báo bằng văn bản; hệ thống truyền thanh của xã, thôn, bản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát Bộ, ngành, địa phương và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam về việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/03/2018; thay thế Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC.
Nguyên Phương