Sắc màu lễ hội xuân ở vùng cao Tây Bắc
Ngày đăng: 27/02/2018 13:41
Sau Tết Nguyên đán, đồng bào vùng cao Tây Bắc lại nô nức tổ chức lễ hội đầu xuân. Khác với lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội xuân vùng Tây Bắc mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của các dân tộc vùng cao. Lên Tây Bắc những ngày đầu xuân, không khí rạo rực và tưng bừng của lễ hội xuân khiến lòng người phấn chấn, thêm yêu vùng đất Tây Bắc xa xôi…
Mưu sinh trên những triền núi cao, những bản làng, ven những con suối, các dân tộc như Tày, Dao, Mông, Thái, Giáy, Phù Lá… luôn gắn bó với núi rừng, với thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống. Mỗi khi xuân về, đồng bào tổ chức lễ hội xuân của dân tộc mình để cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, ruộng đồng và cầu mong các vị sẽ ban cho con người một năm mới no ấm, thóc lúa đầy bồ, trâu ngựa đầy chuồng, con người khỏe mạnh, cỏ cây tươi tốt, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội xuân ở vùng cao Tây Bắc rất đa dạng và đậm bản sắc dân tộc. Phải kể đến lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, lễ hội Gầu Tào, Say Sán của dân tộc Mông, lễ cúng rừng của dân tộc Mông, lễ hội Xên bản, Xên Mường của dân tộc Thái, Roóng Poọc (cầu mùa màng) của dân tộc Giáy… Tuy mỗi một lễ hội có nét đặc trưng riêng nhưng đều có điểm chung là gắn với cây lúa và cuộc sống mưu sinh của con người. Đồng bào tổ chức lễ hội xuân đều cầu mong cho cây lúa tốt tươi, cho hạt thóc trĩu nặng để mang no ấm cho dân bản.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông được tổ chức vào ngày mùng 4 tết. Hội Gầu Tào được tổ chức với mục đích tạ ơn trời đất và cầu cho mùa màng bội thu. Lễ hội Say Sán thì thường được tổ chức trên mỏm đồi cao, trung tâm của bản Mông với sự tham gia của đông đảo người dân trong các bản. Lễ hội Say Sán nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh. Đây cũng là dịp để trai gái Mông gặp gỡ, làm quen và kết duyên.
Hướng về triết lý nhân sinh gắn với cây lúa, rất độc đáo và tinh tế, đồng bào Mường ở vùng Đất Tổ Phú Thọ mở hội tết Doi vào tháng giêng để rước vía lúa, cầu mùa cầu mong mùa màng bội thu, no ấm. Phần lễ được bắt đầu bằng tục rước vía lúa. Những cụm lúa to, hạt chắc mẩy cùng lễ vật được rước trên kiệu về miếu thờ vía lúa để làm lễ. Thầy mo ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu ba hồi chiêng trống vang vọng núi rừng, trời đất, rồi thực hiện nghi lề cúng. Thầy khấn mời vía lúa, chia lúa giống cho dân bản rồi rước vía lúa về đền thờ vía lúa.
Lễ hội xuống đồng của người Tày Tây Bắc cũng được tổ chức vào những ngày đầu xuân. Trước hết người dân trong bản chuẩn bị mâm lễ gồm những sản vật do bà con làm ra như gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, rượu, bánh dày, bánh chưng, chè lam… tượng trưng cho trời, đất, muông thú để dâng lên Thành hoàng làng, thần núi, thần suối sau một năm làm ăn. Chuyển sang phần hội, bà con phải xin phép Thành hoàng làng bằng cách dâng lễ tại chân cột còn, sau khi chủ nhang làm lễ và tiến hành tung quả còn ba lần thì dân làng bắt đầu vào hội. Không khí lễ hội thực sự sôi động khi chứng kiến phần thi cày. Với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, những người tham gia thi đều cố gắng hết mình điều khiển trâu sao cho cày thật nhanh, đường cày thẳng và đẹp. Người dân ở đây quan niệm bên thắng cuộc có đường cày thẳng thì sẽ đem may mắn về cho bản: người dân khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm không bị dịch bệnh mà ngày càng sinh sôi, phát triển.
Mỗi dịp tổ chức hội xuân, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc lại diễn xướng các làn điệu của dân tộc mình như hát then, múa khèn, thổi sáo, múa sinh tiền, đánh cồng chiêng. Cùng với các tiết mục văn nghệ là các trò chơi dân gian như đánh quay, đẩy gậy, đu quay, ném còn…
Lễ hội mùa xuân ở vùng cao Tây Bắc không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, gắng sức xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.