Nâng cao đời sống văn hóa từ phong trào thể dục, thể thao quần chúng
Ngày đăng: 28/02/2018 07:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2018 07:40
Trong năm 2017, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh luôn được sự quan tâm đầu tư, đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về thể thao thành tích cao cũng như thể thao quần chúng. Có được thành công đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, UBND các cấp cũng như sự nỗ lực của toàn ngành TDTT.
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, luôn được vận dụng lồng ghép linh hoạt, sáng tạo thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng, với việc đa dạng về nội dung, hình thức tập luyện, duy trì tổ chức nhiều hoạt động thi đấu TDTT từ tỉnh đến cơ sở diễn ra thường xuyên đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức khoẻ, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Phong trào TDTT quần chúng là một trong những yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, phong trào TDTT của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, thu hút được đông đảo người dân thuộc nhiều tầng lớp và độ tuổi tham gia. Các giải thể thao quần chúng thường xuyên được quan tâm tổ chức, chất lượng được nâng cao, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân: Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng có 180/184 xã, phường, thị trấn thực hiện với tổng số hơn 80.000 người tham gia hưởng ứng chạy; Đăng cai và tham gia thi đấu Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II lần thứ X năm 2017 xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn; Tổ chức 18 giải thể thao, trong đó các môn thể thao truyền thống luôn được quan tâm đầu tư như: Giải Vật tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk; Đua thuyền tại huyện Krông Ana; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh. Năm 2017 trong tâm là Đại hội TDTT tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, đến nay toàn tỉnh có 184/184 xã, phường, thị trấn; 15/15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức xong Đại hội TDTT cấp cơ sở. Cấp tỉnh tổ chức 8/15 môn, với chủ trương hướng thể thao về cơ sở tỉnh đã ủy nhiệm đăng cai 6 môn thể thao cho các huyện, thị xã tổ chức đã tác động tích cực đến phong trào TDTT cấp cơ sở. Toàn tỉnh có 28,5% số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng 0,9% so với năm 2016 và đạt 100% chỉ tiêu đề ra, số hộ gia đình thể thao đạt 17,3% tăng 0,3% so với năm 2016 và đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%.
Việc đầu tư sân bãi, địa điểm luyện tập cũng được quan tâm đầu tư, tùy theo từng độ tuổi và sở thích, mỗi người dân đều có thể lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT đã tác động sâu vào đời sống xã hội, công tác xã hội hoá trong thời gian qua đã tạo bước chuyển biến tích cực tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao góp phần làm phong phú đa dạng các loại hình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của các tầng lớp Nhân dân. Hiện nay toàn tỉnh có: 02 sân vận động có khán đài; 58 nhà thi đấu, nhà tập luyện đa năng; 190 sân Bóng đá 11 người; 270 sân Bóng đá mini; 184 sân Cầu lông, đá cầu; 870 sân Bóng chuyền; 22 sân Bóng rổ; 62 sân Quần vợt; 153 bàn Bóng bàn; 16 Bể bơi…Công tác tổ chức các giải tỉnh cũng như giải toàn quốc có sự tài trợ và đóng góp đáng kể của các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, các tập thể và cá nhân trong toàn tỉnh..
Bên cạnh những thành tích đạt được, phong trào TDTT quần chúng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: TDTT quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều; điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; Địa bàn dân cư không tập trung, đồi núi nhiều, trình độ dân cư còn thấp đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền lợi ích và tác dụng của việc tập thể dục của người dân. Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng nhưng chưa sâu, chất lượng chưa cao; kinh phí hàng năm cấp cho hoạt động thể thao ở cơ sở còn thấp. Công tác xã hội hóa TDTT chưa thực sự sứng tầm với sự phát triển phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh…
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, hy vọng rằng phong trào TDTT quần chúng sẽ ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng trong cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương bác Hồ vĩ đại”. Qua đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá của quần chúng nhân dân, là cơ sở quan trọng xây dựng xã hội hài hoà, phát triển.
Đình Đoài