Để Nhà Văn hóa cộng đồng thật sự trở thành một thiết chế văn hóa ở cơ sở
Ngày đăng: 28/02/2018 07:56
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2018 07:56
Nhà Văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) nằm trong thiết chế Nhà văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, được thành lập để tập hợp công chúng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí cho cộng đồng; là nơi tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các loại hình hoạt động.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 609 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, thì hiện có 585 buôn sinh hoạt tại 577 NVHCĐ, trong đó có trường hợp 03 buôn sinh hoạt chung tại 01 NVHCĐ. Ngay từ năm 2003, Đắk Lắk đã có chủ trương phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng NVHCĐ tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên lần lượt cho các buôn anh hùng, buôn thuộc xã anh hùng, buôn căn cứ cách mạng, buôn vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc tại chỗ. Trung bình, mỗi NVHCĐ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khoảng 100 triệu đồng. Ngày 13/11/2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 119/2003/QĐ-UB về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của NVHCĐ. Theo đó, NVHCĐ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Văn hóa – Thông tin, sự quản lý nhà nước của UBND cấp xã; Phòng Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã về hoạt động của NVHCĐ. Ngày 28/12/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND về việc nâng cao hiệu quả hoạt động NVHCĐ buôn, thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
TỪ THỰC TRẠNG...
Qua khảo sát của Sở VHTTDL năm 2017, về cơ bản, hệ thống NVHCĐ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng ở hầu hết các buôn đồng bào dân tộc thiểu số và trở thành thiết chế văn hóa quan trọng tại cơ sở. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng trong những năm qua, NVHCĐ đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người dân địa phương. Đây là nơi tập hợp Nhân dân, tuyên truyền hiệu quả và thiết thực nhất, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời là nơi gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Một số địa phương đã xây dựng được các mô hình hoạt động hiệu quả của NVHCĐ như: Xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ), xã Cuôr Đăng, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar), xã Ea Tu (Tp. Buôn Ma Thuột), xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) v.v... Cùng với việc tổ chức các hoạt động, hệ thống NVHCĐ đã phối hợp xây dựng, duy trì được gần 400 đội nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, trong đó có gần 200 đội chiêng trẻ; có 925 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động, góp phần tạo ra bộ mặt văn hóa mới ở khắp các buôn làng trên địa bàn toàn tỉnh. NVHCĐ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp, là nơi tổ chức các lớp dạy nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, dạy đánh cồng chiêng… cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác.
Về tổ chức bộ máy, tính đến tháng 10 năm 2017, toàn tỉnh có 199 NVHCĐ đã thành lập Ban Chủ nhiệm, 378 NVHCĐ chưa có Ban Chủ nhiệm;100% Ban Chủ nhiệm NVHCĐ là do Buôn trưởng hoặc cán bộ Ban Tự quản buôn kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp, không qua đào tạo chuyên ngành văn hóa, thường xuyên phải thay đổi hoặc luân chuyển. Về trang thiết bị và kinh phí hoạt động, phần lớn NVHCĐ được trang bị âm thanh, bàn ghế, trang trí khánh tiết... Tuy nhiên, hệ thống trang thiết bị vẫn chưa đầy đủ, còn nhiều NVHCĐ chưa có trang thiết bị để hoạt động. Theo thống kê, hiện nay chỉ có 08 NVHCĐ có đầy đủ trang thiết bị hoạt động, 430 NVHCĐ đã có trang thiết bị nhưng chưa đầy đủ, 139 NVHCĐ chưa có trang thiết bị. Nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị chủ yếu từ ngân sách nhà nước, một số NVHCĐ đã xã hội hóa được trang thiết bị hoạt động từ các doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa... Về tổ chức hoạt động, toàn tỉnh hiện có khoảng 301 NVHCĐ hoạt động thường xuyên, 263 Nhà văn hóa hoạt động chưa thường xuyên và 13 NVHCĐ không hoạt động. NVHCĐ hoạt động khá đa dạng và thường xuyên như: Hội họp, trưng bày các vật dụng, nhạc cụ truyền thống, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin cổ động, sinh hoạt đoàn thể; nhiều nơi đã trở thành trụ sở thường trực của trưởng buôn, già làng để giải quyết các công việc của buôn, làng.
Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nguồn vốn đã được phân bổ hàng năm tiến hành khảo sát thực trạng, dành quỹ đất xây dựng NVHCĐ; tham khảo ý kiến của người dân về vị trí, kiểu dáng, kích thước... trước khi xây dựng; UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bố trí trong dự toán hàng năm cho hoạt động và mua sắm trang thiết bị của NVHCĐ trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo UBND các xã tiến hành rà soát và kiện toàn Ban Chủ nhiệm. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm và chưa có sự đầu tư và quan tâm đúng mức cho loại hình thiết chế văn hóa này.
Bên cạnh những điểm sáng, hiện nay, ở Đắk Lắk, nhiều NVHCĐ đã được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả. Theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 263 NVHCĐ hoạt động yếu (chiếm 45,58%), 13 NVHCĐ (2,25%) không hoạt động. Đa số NVHCĐ được xây dựng từ lâu nên xuống cấp trầm trọng, không có kinh phí sửa chữa. Nhiều NVHCĐ diện tích quá nhỏ hẹp, thiếu nhà vệ sinh, hướng nhà không đúng với phong tục của đồng bào. Có tình trạng NVHCĐ xây dựng xong nhưng không hoạt động gây lãng phí ngân sách nhà nước. Trang thiết bị cho NVHCĐ không đồng bộ, còn thiếu nhiều thiết bị cần thiết để tổ chức hoạt động. Kinh phí hoạt động hàng năm cho NVHCĐ không được cấp nên gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động.
...ĐẾN NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa đúng mức; công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của NVHCĐ đối với người dân chưa cao.Việc xây dựng công trình NVHCĐ, chủ đầu tư khoán trắng cho đơn vị thi công mà không qua sự tham mưu chuyên môn của các cơ quan liên quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì vậy việc thiết kế không phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Khuôn viên xây dựng NVHCĐ phần lớn đều quá chật hẹp, rất khó tổ chức những hoạt động tập thể ngoài trời như lễ hội, vui chơi, giải trí. Việc đầu tư cho NVHCĐ không đồng bộ thiếu trang thiết bị, không có khu vệ sinh, không có hệ thống âm thanh, điện, nước không có các vật dụng văn hóa thiết yếu như: cồng chiêng… để phục vụ các hoạt động. Khi tiến hành xây dựng NVHCĐ không thực hiện theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như: không làm lễ chọn đất, dựng nhà, không làm lễ cúng vào nhà mới... nên khi bàn giao nhà, đồng bào không nhận, không coi đó là ngôi nhà của cộng đồng mình. Việc quán triệt, triển khai Quyết định 119/2003/QĐ-UB và Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk ở cơ sở không triệt để, kém hiệu quả.
...VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ NVHCĐ THẬT SỰ TRỞ THÀNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA Ở CƠ SỞ
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là “thiết chế văn hóa”. Như vậy, có thể khẳng định, hầu hết các NVHCĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đủ các yếu tố để cấu thành một thiết chế văn hóa ở cơ sở. Cuối năm 2017, Sở VHTTDL đã khảo sát thực trạng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của NVHCĐ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Từ kết quả của Hội thảo và thực tiễn quản lý ngành, xin đặt ra một số suy nghĩ sau đây để NVHCĐ thật sự trở thành thiết chế văn hóa ở cơ sở:
Thứ nhất, cần khẩn trương triển khai một cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán về tổ chức và hoạt động của NVHCĐ. Bộ VHTTDL cần xây dựng và ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động của NVHCĐ ở Tây Nguyên nói riêng, các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 119/2003/QĐ-UB ngày 13/11/2003 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của NVHCĐ; đồng thời ban hành văn bản mới thay thế phù hợp với tình hình thực tiễn tại tỉnh, trong đó xác định đây là một thiết chế văn hóa quan trọng tại cơ sở. NVHCĐ cần phải có sự quản lý, định hướng của các cấp chính quyền địa phương và sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Trước mắt, năm 2018, thiết nghĩ ngành VHTTDL cần tham mưu cho tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát việc thành lập Ban Chủ nhiệm đối với toàn hệ thống NVHCĐ trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí một phần kinh phí năm 2018 để đầu tư, sửa chữa đối với các NVHCĐ đã xuống cấp, hư hỏng; lồng ghép việc đầu tư, sửa chữa với chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở về vai trò của NVHCĐ. Việc xây dựng và tổ chức hoạt động NVHCĐ cần đưa thành một tiêu chí để xét duyệt, công nhận buôn văn hóa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương phải phát huy vai trò của quần chúng, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động được mọi nguồn lực trong dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các đoàn thể, câu lạc bộ, các nhóm sở thích là nòng cốt sinh hoạt của mỗi NVHCĐ. Nơi nào được sự quan tâm của lãnh đạo, phong trào đoàn thể hoạt động tốt, các câu lạc bộ, các nhóm sở thích được thành lập thì NVHCĐ có nhiều nội dung và hình thức sinh hoạt phong phú.
Thứ ba, cần làm tốt công tác xã hội hóa đối với hoạt động NVHCĐ. Những năm gần đây, trong xu thế đô thị hóa mạnh mẽ, đời sống văn hóa cơ sở ở buôn làng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thiết chế văn hóa nhiều khi chưa phát huy hết tác dụng, chức năng của nó. Cần khai thác vai trò tự quản của người dân và tổ chức xã hội trong hoạt động văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở theo mô hình Nhà nước, cộng đồng, cá nhân cùng làm văn hóa; vừa nâng cao năng lực quản lý nhà nước, vừa khai thác khả năng tự quản của người dân. Người phụ trách NVHCĐ phải biết tổ chức, tập hợp lực lượng quần chúng, có tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, gắn bó với phong trào ở cơ sở và được sự quan tâm động viên kịp thời của chính quyền để NVHCĐ luôn mở cửa, thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt.
Ngày Xuân, mong mỏi những suy nghĩ trên sẽ sớm trở thành những chủ trương, giải pháp cụ thể, để NVHCĐ trên địa bàn tỉnh thật sự trở thành một thiết chế văn hóa ở cơ sở, để nơi đây, thường xuyên ngân lên những tiếng chiêng trầm bổng, vang xa, lan tỏa vào đời sống văn hóa của Cao nguyên huyền thoại
Đặng Gia Duẩn (Phó Giám đốc Sở VHTT&DL)