Tạo khí thế vui tươi phấn khởi, bước vào một năm mới thắng lợi
Ngày đăng: 01/03/2018 08:07
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/03/2018 08:07
BBT: Các cơ quan, đơn vị, trường học sau kỳ nghỉ Tết đã trở lại làm việc bình thường, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân đã ra quân sản xuất đầu năm. Tuy nhiên, dân gian ta có câu “Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân”, không khí Xuân vẫn còn ngập tràn trên mọi miền đất nước. Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cũng vừa kết thúc những ngày Tết vui tươi, an toàn và đang hòa mình trong mùa xuân của đất trời nắng ấm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều hoạt động văn hóa phong phú đậm đà bản sắc. PV Đài TNVN có cuộc trao đổi với ông Đặng Gia Duẩn - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk về nội dung này. Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin đăng lại toàn văn cuộc phỏng vấn.
- PV: Thưa ông, Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa đi qua, dư âm phấn chấn vẫn còn đọng lại trong mỗi người dân địa phương cũng như du khách. Vậy, dấu ấn về các hoạt động do ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức trong dịp tết này là gì, thưa ông?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Nhằm góp phần giúp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đón Tết cổ truyền của dân tộc một cách vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn và tiết kiệm theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã được tổ chức sôi nổi, hiệu quả từ tỉnh xuống cơ sở và đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong Nhân dân và du khách.Tiêu biểu có thể kể đến hoạt động chiếu phim phục vụ Nhân dân, Chương trình nghệ thuật đón giao thừa Xuân Mậu Tuất 90 phút kết hợp với bắn pháo hoa 15 phút tại Quảng trường 10/3 đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón chào Xuân mới. Tiếp đến là Giải đua thuyền truyền thống của tỉnh lần thứ 11 tổ chức vào mùng 4 Tết tại huyện Krông Ana. Mỗi hoạt động trên đã thu hút hàng chục nghàn người tham dự, trong đó có cả du khách trong nước và quốc tế.
Điểm đặc biệt của các hoạt động trên là có sự tham gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - năm 2017 H’Hen Niê, người con của quê hương Đắk Lắk, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân, nhất là giới trẻ đón chào Xuân mới.
- PV: Với thiên nhiên tươi đẹp, nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn và có các hoạt động được tổ chức, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút du khách đến với địa phương như thế nào, thưa ông?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Về tình hình du khách đến Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 5, Đắk Lắk đã đón 139.800 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, du xuân; tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Khách nội địa 137.996 lượt, tăng 20%; khách quốc tế 1.846 lượt, tăng 28%); doanh thu du lịch đạt 7.577 triệu đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước).
- PV: Theo ông, những yếu tố nào đã thu hút lượng khách du lịch đến với Đắk Lắk trong dịp tết tăng hơn và doanh thu tăng hơn so với dịp tết năm ngoái?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Kết quả kinh doanh du lịch trong dịp Tết tăng hơn 20%, và doanh thu tăng đến 33% so với dịp Tết năm ngoái là do các yếu tố: Do thời gian nghỉ Tết kéo dài nên khách du lịch từ các tỉnh đến thăm quan Đắk Lắk rất đông. Khí hậu dịp Tết năm nay mát mẻ, dễ chịu; hệ thống giao thông đường bộ và đường không đi lại, kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh được thuận lợi hơn. Nhiều đơn vị đầu tư tốt cơ sở vật chất, các sản phẩm, dịch vụ du lịch được đầu tư cải tiến, tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí, đa dạng hóa các chương trình du lịch hấp dẫn (như Biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, văn hóa truyền thống Tây Nguyên, tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, một số chương trình tham quan du lịch mới lạ, thưởng thức ẩm thực đặc sắc Tây Nguyên...). Ngoài ra, năm nay còn tăng thêm một số điểm du lịch hấp dẫn mới như Khu du lịch Đồi thông, thác Bìm Bịp, điểm du lịch của Công ty đường mòn Cao nguyên tại hồ Lắk.v.v.
Và cá nhân tôi nghĩ, những hình ảnh đẹp về Đắk Lắk trong lòng du khách qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 cùng với Đắk Lắk có người đẹp H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cũng là yếu tố tích cực tác động đến tâm lý du khách đến với Đắk Lắk nhiều hơn.
- PV: Ngoài yếu tố thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa và là thủ phủ cà phê nổi tiếng của cả nước, thì đời sống văn hóa phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã được giới thiệu tới du khách trong dịp Tết như thế nào thưa ông?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Ngoài yếu tố thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa và là thủ phủ cà phê nổi tiếng của cả nước, thì công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động du lịch trong dịp Tết được giới thiệu thường xuyên, sâu rộng trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh về du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch Voi, du lịch đặc thù về văn hóa cồng chiêng, văn hóa thưởng thức cà phê, ẩm thực đồng bào dân tộc Tây Nguyên và các hoạt động văn hóa đặc sắc truyền thống dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
Du khách đến Buôn Đôn, hồ Lắk hay buôn Ako Dhong, Khu du lịch Ko Tam…, đều được đắm mình trong văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng. Phát triển du lịch phải luôn gắn kết với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Thông qua du lịch, đời sống văn hóa phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã được giới thiệu, quảng bá tới du khách, và họ sẽ là những tuyên truyền viên về văn hóa và du lịch cho Đắk Lắk khi trở về.
- PV: Trước đây, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như năm nào ở Đắk Lắk cũng xảy ra tai nạn đuối nước ở một số thác. Vậy, việc đảm bảo an toàn ở những khu du lịch này được quan tâm như thế nào thưa ông?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Trước Tết Nguyên đán, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Đoàn đi kiểm tra thực tế tại các Khu, điểm du lịch về công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn phục vụ Tết Nguyên đán và yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch phải đảm bảo các điều kiện đảm bảo an toàn phục vụ khách tham quan như: Có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách; lắp đặt các bảng nội quy, biển báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, chuẩn bị tốt các phương tiện, thiết bị, lực lượng cứu nạn cứu hộ; phối hợp với cơ quan y tế và các lực lượng khác của địa phương bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ trong những ngày Tết. Ví dụ, cụm du lịch thác Dray Nur đã triển khai mô hình du lịch mạo hiểm, nhưng các hoạt động du lịch tại đây nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung trong dịp tết đã diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.
- PV: Đối với Đắk Lắk, Tết năm nay khá đặc biệt, đó là có sự tham gia của Tân hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê trong nhiều sự kiện, để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, ông có thể đánh giá như thế nào về vai trò “đại sứ du lịch” của hoa hậu ở địa phương?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Nhận lời mời của Sở VHTTD Đắk Lắk, Hoa hậu Hoàn vũ 2017 H’Hen Niê đã có mặt từ sớm ngày mồng 4 tết để cổ vũ Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Đắk Lắk lần thứ 11 tại huyện Krông Ana. Đây là một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng cao, là dịp gắn kết mọi người. Hội đua thuyền năm nay rất náo nhiệt với hàng chục nghìn người tới xem, cổ vũ.
Trước đó, tối 30 Tết, H’Hen Niê cũng tham dự chương trình nghệ thuật "Chào Xuân Mậu Tuất 2018" tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê đã chia sẻ về bản thân, động viên thế hệ trẻ cần có và thực hiện bằng được hoài bão của mình.
Có thể nói, việc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 về ăn tết tại quê nhà và tham gia nhiều hoạt động văn hóa tại địa phương đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của truyền thông và công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh của một Đắk Lắk tươi đẹp, hiếu khách, tạo cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ và du khách.
Chúng tôi đang dự kiến thời gian tới sẽ tham mưu cho tỉnh mời Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê là đại sứ du lịch của tỉnh hoặc làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.
- PV: Thưa ông, mặc dù Tết đã hết, nhiều lễ hội và hoạt động du xuân trong cả nước vẫn tiếp tục. Ở Đắk Lắk dịp này sẽ có những hoạt động gì đáng chú ý?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Định kỳ vào dịp đầu năm, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các nghi lễ - lễ hội truyền thống của các dân tộc, tiêu biểu như: Lễ hội Đua Thuyền tại huyện Krông Ana (mùng 4 tết); Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông (mùng 4 – 5 tết); Lễ hội Lồng Tồng tại huyện Cư M’Gar (tổ chức vào mùng 6 tết). Tới đây sẽ có 2 lễ hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh vào dịp Rằm tháng Giêng là Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng; Hội vật Vụ Bổn, tại huyện Krông Păk. Các lễ hội nói trên đã thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân hưởng ứng tham gia, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi trong Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tăng cường mối giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Nhìn chung, các lễ hội trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ít rườm rà, tốn kém, không phô trương hình thức.
- PV: Thưa ông, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo khí thế vui tươi phấn khởi dịp đầu xuân năm mới, thì công tác quản lý các dịch vụ được quan tâm như thế nào?
- Ông Đặng Gia Duẩn:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách nhằm ngăn chặn các hoạt động biến tướng, tệ nạn xã hội, đảm bảo vui chơi lành mạnh, tạo khí thế vui tươi phấn khởi trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 với những nội dung cụ thể như: Phối hợp với công an, an ninh địa phương, bố trí đủ lực lượng an ninh bảo vệ, cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết để phục vụ đảm bảo khách du lịch cũng như người dân địa phương trước, trong và sau dịp Tết. Tuân thủ nghiêm các quy định về bán đúng giá đăng ký, niêm yết, không tăng giá phòng, giá vé tham quan, vé giữ xe, giá dịch vụ; đề phòng các loại tội phạm như: Cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mại dâm, chèo kéo, hoạt động buôn bán, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Tăng cường công tác kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch. Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội.
Nói chung, ngành VHTTDL của tỉnh đã chủ động có sự chỉ đạo quyết liệt để quản lý, nhằm ngăn chặn các hoạt động biến tướng, tệ nạn xã hội, đảm bảo vui chơi lành mạnh trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tôi ví dụ như riêng Khu du lịch Kô Tam, trong 6 ngày tết đã đón gần 74 nghìn lượt khách, nhưng giá vé, giá dịch vụ tại đây giữ nguyên như ngày thường, và đặc biệt là không hề có một sự kêu ca, phàn nàn nào của du khách. Tất cả các hoạt động văn hóa dân gian, văn hóa cồng chiêng lành mạnh, đặc sắc... và các dịch vụ tổ chức tại đây đều làm hài lòng du khách.
Đặc biệt, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (21/2), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 240/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong đó yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục truyền thống, khơi dậy giá trị tốt đẹp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin về những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch. Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội.
Thủ tướng cũng chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Chúng tôi đã triển khai tinh thần này để ngành thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng, tạo khí thế vui tươi phấn khởi, bước vào một năm mới thắng lợi.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Quốc Học VOV