Chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn
Ngày đăng: 02/03/2018 15:02
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/03/2018 15:02
Theo quan niệm của đạo Phật liệt cúng sao (dâng sao) giải hạn vào nhóm mê tín dị đoan, do không hiểu được quy luật nhân quả, quy luật vận hành tốt xấu, quy luật của vũ trụ. Muốn sống bình an thì phải giữ tâm, đức bởi đã làm điều xấu thì theo luật nhân quả, thần thánh cũng chẳng giúp giải được hạn.
Đua nhau cúng sao giải hạn
Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại đổ về các ngôi chùa để làm lễ cầu an, cúng sao giải hạn. Người ta cho rằng, trong một năm, mỗi người đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình. Hoạt động tự phát này đang tiềm ẩn tâm lý cuồng tín, làm sai lệch giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.
Để làm một lễ cúng sao giải hạn, mỗi thành viên trong gia đình phải bỏ ra 200 nghìn đến 300 nghìn để đăng ký. Những người muốn làm lễ cầu an cũng phải chịu mức phí như vậy. Ngoài ra, với những người bị sao hạn nặng chiếu, phải đốt “hình nhân thế mạng” thì số tiền bỏ ra lớn hơn nhiều lần. Năm nay, theo ghi nhận của phóng viên, lượng người đến các chùa cúng sao giải hạn tăng cao. Đơn cử như tối mùng 8 tháng Giêng vừa qua, hàng nghìn người dân đã kéo tới chùa Phúc Khánh làm khóa lễ sao La Hầu khiến cho chính quyền sở tại phải huy động 700 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ và phân luồng giao thông. Hay tại chùa Trấn Quốc, tình hình cũng tấp nập không kém. Mặc dù việc đăng ký cúng sao giải hạn không được thừa nhận chính thức như chùa Phúc Khánh nhưng tại đây, nhà chùa cũng làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình”. Chính vì thế, việc đăng ký cúng sao ở chùa Trấn Quốc đăng ký theo hộ gia đình. Một gia đình phải bỏ ra chi phí khoảng 500.000 đồng sẽ được cúng giải hạn cả năm. Được biết, do số lượng người đăng ký quá đông nên nhà chùa chia ra các sao rồi đọc tên từng tín chủ bị “sao đó chiếu”.
Bên cạnh đó, việc cúng sao giải hạn còn được thực hiện ở rất nhiều cơ sở tôn giáo, tâm linh khác nhau trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc. Điều này nói lên thực tế là dù nhiều năm qua, dư luận xã hội đã lên tiếng về sự sai lệch trong tâm linh nhưng tập tục cúng sao giải hạn đầu năm vẫn còn rất nặng nề trong quần chúng nhân dân.
Chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn
Theo PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, tục cúng sao giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Đến nay, tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh, trong đó có những sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch… Trong năm đó, con người sẽ dễ bị ốm đau, gặp phải chuyện không may, gọi chung là vận hạn. Để giải được hạn, cần phải dâng cúng sao. PGS Trần Lâm Biền cho rằng, việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.
Đồng quan điểm, GS-TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - cũng cho rằng một bộ phận người dân đang ngày càng có xu hướng quá tin vào thế giới tâm linh, tin một cách mê muội. “Tâm lý đám đông này dễ bị lợi dụng, dẫn dắt vào mê tín dị đoan. Khi người dân quá tin vào những điều thiếu cơ sở, ùa theo đám đông như thế thì đất nước sẽ khó phát triển” - GS-TS Đỗ Quang Hưng trăn trở.
Còn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy- người phụ trách các hoạt động văn hóa lễ hội, thì khẳng định: “Nếu cúng sao mà giải được hạn thì chắc chắn không ai gặp nạn. Nếu dùng hình nhân thế mạng mà có thật thì làm gì có ai chết”.
Từng có thời gian trực tiếp tìm hiểu, Thứ trưởng Thủy cho biết hiện có tình trạng nhà chùa thu tiền để cúng sao giải hạn cho dân, dẫn tới biến tướng và thương mại hóa. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Theo quan điểm của Thủ tướng, hành vi trục lợi và thương mại hóa ở chốn tâm linh có việc cúng sao giải hạn thu phí. Nếu cúng sao giải hạn mà không thu tiền thì có lẽ nhiều chùa không làm".
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng việc hạn chế các tập tục như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã là cần thiết bởi lâu nay, những việc này gây lãng phí tiền của. Mỗi năm, số lượng tiền đổ vào mua vàng mã đem đi đốt của người dân vô cùng lớn.
Muốn bình an phải sống nhân đức
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo chỉ có lễ cầu an cho người còn sống và cầu siêu cho những người đã mất. Dâng sao giải hạn là phát sinh từ văn hóa Trung Quốc. Quan niệm cho rằng hàng năm, mỗi người ứng với một sao chiếu mệnh, năm nào sao tốt thì gặp việc tốt, sao xấu thì gặp vận hạn, việc không hay. Cúng sao giải hạn là để một năm được khỏe mạnh, bình an, nếu gặp điều không may thì sẽ nhẹ nhàng đi.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: “Cúng sao giải hạn thuộc về mong muốn, nguyện vọng của người dân, sao cho được bình an, mạnh khỏe, may mắn, đỡ vận hạn, cầu cho cuộc sống bình yên. Đó là mong muốn chính đáng, không sai tâm linh”.
Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, đang có sự sai lệch trong nghi thức này qua việc cúng sao giải hạn. Theo Hòa thượng, chỉ nên gộp chung là lễ cầu an, không còn lễ cúng sao giải hạn và hướng dẫn người dân thực hiện sao cho đúng. “Cầu an, tụng kinh niệm phật, cầu điều chính đáng chứ không phải là thêm vào hình nhân thế mạng, đốt vàng mã nhiều. Có như vậy, cũng là lễ cầu an, giải hạn nhưng được làm đúng, thể hiện được nguyện vọng một cách chính đáng, không hại gì đến đời sống tâm linh, tinh thần, vật chất của nhân dân, của xã hội”- Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Đại đức Thích Tâm Kiên – Trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) cho rằng, Phật giáo miền Bắc thờ “Tam giáo đồng nguyên” (Phật – Đạo – Lão) nên mới có lễ dâng sao – giải hạn còn Phật giáo miền Nam không có. Lễ dâng sao - giải hạn đầu năm không có trong kinh điển Phật giáo mà xuất phát từ Đạo giáo của Trung Hoa. Từ thời vua Lê – chúa Trịnh, việc dâng sao – giải hạn đã đi vào tâm thức của người dân miền Bắc.
“Theo lệ, đầu năm người ta thường tìm đến chùa, đền, phủ để dâng sao giải hạn. Nếu là sao tốt người ta gọi là “nghinh sao”, còn sao xấu người ta gọi là “giải sao”. Xét ở một góc độ nào đó, hình thức cầu an – giải hạn giúp con người ta có niềm tin được đấng bề trên che chở và độ trì để cuộc sống của họ tốt hơn trong năm mới. Có thể, những người đến chùa làm lễ cầu an – dâng sao giải hạn rồi sẽ sống tự tin và lạc quan hơn những người chưa làm. Và nếu chỉ dừng lại ở niềm tin trong lành đó thì việc dâng sao – giải hạn không có vấn đề gì đáng phải bàn.
Tuy nhiên, trong nhà Phật vẫn luôn đề cao chữ “tâm”. Kể cả có dâng sao – giải hạn tới hàng trăm hàng nghìn lần mà sống không thiện tâm, không tử tế… thì chưa chắc đã gặp được nhiều điều tốt đẹp. Tức là có theo đạo hay không theo đạo, nếu sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc phước đức cho cuộc đời và cho mọi người thì sẽ gặp được nhiều điều may mắn. “Ông cha ta vẫn thường nhắc nhở con cháu “Ở hiền gặp lành”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Giúp người người lại giúp ta”… là thế. Phật giáo không quan trọng cúng to hay cúng nhỏ, quan trọng nhất vẫn là tâm thành – tâm thiện”- Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ.
Với những quan điểm như vậy, nên chăng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, thuyết phục dần dần để người dân hiểu ý nghĩa đích thực của nghi lễ cầu an, từ bỏ dần dần những nghi thức sai lệch thì cần có sự vào cuộc của Trung ương Giáo hội PGVN. Cùng với việc Trung ương Giáo hội PGVN đã yêu cầu các tự viện không đốt vàng mã thì nên đặt ra vấn đề hướng các tự viện hướng dẫn các phật tử không dâng sao giải hạn, chỉ thực hiện cầu an, tụng kinh niệm Phật đúng tinh thần Phật giáo./.
Theo cinet.vn