Độc đáo tục hát quan làng trong đám cưới của người Tày
Ngày đăng: 04/03/2018 12:15
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/03/2018 12:15
Hát quan làng là nét văn hóa độc đáo trong nghi lễ đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ trong cưới xin đã được giảm bớt nhưng nét văn hóa đặc sắc này vẫn còn được cộng đồng người dân tộc Tày sinh sống ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc gìn giữ.
Ông Nguyễn Công Điềm, người dân tộc Tày ở thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, một trong những người hát quan làng nổi tiếng nhất vùng cho biết: Hát quan làng hay còn gọi là thơ lẩu, là một phong tục trong đám cưới người Tày, bao gồm hệ thống các bài thơ, bài hát, có thể kéo dài tới hàng ngàn câu, hàng trăm bài, chia thành các phần cụ thể. Nội dung của các bài hát là nhằm chúc cho lứa đôi hạnh phúc, ấm no, sinh con đàn cháu đống. Hát quan làng không có đạo cụ, chỉ là những lời đối đáp mộc mạc đầy ý nhị.
Theo ông Điềm, những người hát quan làng chủ yếu là đàn ông trung niên. Để được chọn làm quan làng phải là người giàu tri thức, am hiểu phong tục tập quán dân tộc mình, giao tiếp thông minh, khéo léo và có gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền. “Ở Ea Kênh, những người biết hát quan làng chỉ còn 3-4 người nên rất “đắt sô”, vì hầu như gia đình dân tộc Tày nào tổ chức cưới xin cũng muốn có những điệu hát quan làng đặc sắc”, ông Điềm cho hay.
Chúng tôi may mắn được cùng ông Nguyễn Công Điềm tham dự lễ cưới của gia đình ông Triệu Văn Chân ở thôn Thanh Xuân. Những người tham gia buổi lễ không khỏi thích thú khi những điệu hát quan làng được cất lên mượt mà, da diết trước bàn thờ tổ tiên trong đám cưới chính thức ở nhà gái: “Mặt trời mọc đầu xóm sáng bừng/ Mặt trăng mọc góc nhà sáng chói/ Cá tôm tìm nguồn suối kéo về/ Ong ve ở giữa khe tìm nhụy/ Cháu tôi xin về đây làm rể/ Giờ đây xin bái tổ hoàn ơn…”.
Ông Triệu Văn Chân kể: Cách đây gần 50 năm, lúc ông lấy vợ, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đám cưới của người Tày vẫn đầy đủ nghi thức với các phong tục đặc trưng của dân tộc mình. Đám cưới của người Tày giờ đã không còn những thủ tục rườm rà như xưa nhưng các tục lệ chính mang đậm nét văn hóa riêng mà điển hình là hát quan làng thì vẫn được nhiều gia đình lưu giữ lại. “Đám cưới con gái tôi không thể thiếu hát quan làng, vì đây là nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình và cần được thế hệ con cháu sau này giữ gìn và phát huy, để hát quan làng ngày càng nhiều người biết đến hơn nữa”, ông Chân tâm sự.
Thùy Duyên
Nguồn: Báo Đắk Lắk