Những "bông hoa" tài năng của Ngày hội
Ngày đăng: 09/03/2018 15:13
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/03/2018 15:13
Trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột đang diễn ra, nhiều nội dung đã thu hút chị em phụ nữ tham gia rất nhiệt tình. Những người phụ nữ của buôn làng đã thể hiện được sự khéo léo, tài năng ở hầu hết các nội dung thi trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Những phụ nữ đa tài
Có lẽ, một phần do cuộc sống hằng ngày, người phụ nữ dân tộc thiểu số thường giữ vai trò chính trong gia đình, thế nên trong ngày hội họ đã thể hiện bản lĩnh không thua kém đàn ông, thậm chí còn nổi trội hơn.
Như ở phần thi giã gạo nhanh, phần thi này đòi hỏi phải có thể lực và sự khéo léo khi giã lúa, để trấu và gạo tách riêng ra. Khi giã, hai chân đứng trụ vững cố định, tay cầm chày đặt thẳng trước mặt thực hiện động tác nhấc chày lên, thả xuống nhịp nhàng, uyển chuyển nên dù 2 người cùng giã một cối nhưng không hề va vào nhau. Lúa giã xong được sàng sẩy bỏ trấu, lấy gạo… Công việc nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất kén người, dường như chỉ có những người phụ nữ mới đủ kiên nhẫn để làm việc này.
Ngoài giã gạo, những người phụ nữ Êđê của buôn làng còn thể hiện tài năng trong việc dệt vải. Hằng ngày, những tấm vải có họa tiết đa dạng được các chị dệt tỉ mỉ, cẩn thận để may đồ cho chồng con mặc với tất cả sự yêu thương. “Nay vào cuộc thi, tôi dệt để mang niềm vui và tự hào về cho buôn làng. Cũng vì vậy mà các tấm vải dệt tay càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết”, chị H’Mry (buôn K’dun, xã Cư Êbur) cho hay.
Những cô gái người Mường lại nổi trội ở phần thi ẩm thực, tạo nên những mâm cỗ thơm ngon đầy sắc màu thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Món ăn không thể thiếu đó chính là xôi ngũ sắc, thể hiện sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ Mường. Xôi có 5 màu, màu vàng tượng trưng cho ấm no đầy đủ, màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, màu trắng là màu của tình yêu trong trắng thủy chung, màu tím tượng trưng cho sự trù phú, màu xanh là màu của núi rừng. Xôi ngũ sắc nấu từ gạo nếp cái hoa vàng, khi chín sẽ có mùi thơm dịu, hạt xôi mềm dẻo, các màu được nhuộm từ củ, quả, lá rừng như màu đỏ từ quả gấc, màu xanh dùng lá gừng, màu vàng từ củ nghệ…
Trên lĩnh vực thể thao, những người phụ nữ lại thể hiện mình là những “chiến binh” tuyệt vời khi quyết tâm thi đấu hết mình; trên sân khấu, các mẹ, các chị… trở thành một người nghệ sĩ thực thụ với những làn điệu dân ca, tiếng kèn, tiếng chiêng… hòa nhịp ngân vang.
Tre già măng mọc
Tham gia Ngày hội không chỉ có các mẹ, các chị mà còn có nhiều em gái đang độ tuổi thiếu niên. Được các thế hệ đi trước tận tình chỉ dạy từng công việc, hoạt động, với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các em góp phần tích cực vào thành công của cả tập thể. Điều đáng quý là với những kiến thức bổ ích học được trong ngày hội, các em có thể linh hoạt vận dụng trong cuộc sống sau này.
Em Katarin Ênuôl (14 tuổi, buôn Ea Bông, xã Cư Êbur) khi mới được mẹ vận động tham gia ngày hội thì còn ngại ngùng, nhưng khi thấy gia đình và cả buôn háo hức chuẩn bị cho ngày hội, em đã bị cuốn theo. Katarin tham gia phần thi thanh niên thanh lịch, giới thiệu trang phục truyền thống của người Êđê đến với mọi người. Ngoài ra còn tham gia phần thi biểu diễn chiêng và thi ẩm thực. Được tham gia, được chứng kiến các chị chăm chút từng món ăn, Katarin đã phần nào hiểu được giá trị truyền thống và có ý thức hơn về việc lưu giữ bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Hai em Nguyễn Ngọc Yến Nhi và Bùi Hoàng Tố Như là thành phần quan trọng của đội chiêng người Mường (thôn 1, xã Hòa Thắng). Mới được các bà, các mẹ truyền dạy đánh chiêng từ cách đây hơn 1 tháng, nhưng sẵn niềm đam mê văn hóa dân tộc cộng với sự chỉ dạy nhiệt tình của thế hệ đi trước, đến nay 2 em có thể đánh được 2 bài chiêng, đồng thời tham gia diễn tấu cồng chiêng cùng với đội chiêng của những buôn làng khác. Yến Nhi tâm sự: “Sau ngày hội em tiếp tục học đánh cồng chiêng cho thật nhuần nhuyễn, vì đó là cội nguồn, là quê hương, sau này em còn giới thiệu cho mọi người cùng biết”. Khi nghe cháu tâm sự, bà Nguyễn Thị Hòa, đội trưởng đội chiêng không giấu nổi xúc động chia sẻ: “Chúng tôi chỉ biết cố gắng truyền đạt thật tốt để các thế hệ đi sau phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.
Tự tin tỏa sáng trong các môn thi, những người phụ nữ tài năng của các buôn làng như những bông hoa cho ngày hội thêm hương sắc, vui tươi.
Mai Sao
Nguồn: Báo Đắk Lắk