Cựu chiến binh nặng lòng với văn hóa dân tộc
Ngày đăng: 20/04/2018 14:02
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/04/2018 14:02
Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, cựu chiến binh (CCB) Y Vế Liêng (51 tuổi, buôn M’Liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) tiếp tục đảm nhận nhiều vai trò quan trọng tại địa phương. Ông được biết đến không chỉ tận tâm với công việc, mà còn là người dành một tình yêu lớn cho nền văn hóa dân tộc M’nông.
Trải qua nhiều vị trí công tác (Chủ tịch Hội CCB xã Đắk Liêng, Bí thư Chi bộ Buôn M’Liêng 1) được bà con tin yêu, ông Y Vế Liêng cũng nổi tiếng là người yêu văn hóa dân tộc mình. Nổi bật trong căn nhà của ông là 10 chiếc ché được dựng ngăn nắp và rất sạch sẽ. Ông cho biết, ché là vật quý của người M’nông, thường dùng trong các lễ hội. Trong 10 cái ché của gia đình ông, có những chiếc ché đã gần trăm tuổi, chúng được ông lau chùi cẩn thận cho khỏi bám bụi mỗi ngày, khi nào có lễ hội ông mới mang ra dùng. Bên cạnh đó, trong căn nhà còn có rất nhiều chiếc gùi, lớn có, bé có được treo ngay ngắn do chính tay ông đan. Ông chia sẻ, từ nhỏ, khi thấy người lớn đan gùi là ông lại chăm chú ngồi xem, năm 15 tuổi ông đã tự tay đan được những chiếc gùi đẹp, đến nay ông thỉnh thoảng vẫn đan thêm gùi cho gia đình và con cháu sử dụng.
Ông cũng có một niềm đam mê đặc biệt với cồng chiêng. Thanh âm trầm bổng của tiếng cồng chiêng đã khiến ông mê đắm, quyết học đánh chiêng từ khi còn rất nhỏ và giờ đây ông trở thành một người đánh chiêng “lão luyện” của buôn M’Liêng, là thành viên đội chiêng của buôn. Hiện gia đình ông còn lưu giữ một bộ chiêng mà bản thân ông cũng không nhớ rõ bộ chiêng này có tuổi đời bao nhiêu, ông chỉ biết nó đã có từ đời bà cố ngoại. Hằng năm, bộ chiêng và ché của gia đình ông được đưa ra phục vụ cho các lễ hội diễn ra trong buôn hoặc các ngày lễ quan trọng của các thành viên trong gia đình. Với ông, chiêng là vật thiêng của gia đình và dân tộc, do đó ông luôn dặn dò con cháu phải giữ gìn cẩn thận, tuyệt đối không được bán đi. Cũng theo ông, hiện nay buôn M’Liêng có khoảng 8 bộ chiêng cổ có độ tuổi từ 100-200 năm, nhà ở trong buôn trên 90% là nhà dài của người M’nông và nhiều hộ trong buôn vẫn còn giữ được các bộ chiêng, trống da trâu, ghế kpan…Một điều ông luôn đau đáu là muốn dạy chiêng cho lũ trẻ trong buôn, để những mạch nguồn văn hóa sẽ chảy mãi trong cộng đồng người M’nông.
Diệu Huyền
Nguồn: Báo Đắk Lắk