Huyện Krông Năng: Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Ngày đăng: 17/05/2018 20:26
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/05/2018 20:26
Huyện Krông Năng có khoảng 120 nghìn người với 21 dân tộc anh em đến từ mọi miền đất nước cùng sinh sống, lập nghiệp, từ đó tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Thời gian qua, huyện Krông Năng đã có nhiều giải pháp nhằm góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Mặc dù xa quê hương hơn 30 năm nay nhưng người dân vùng Kinh Bắc đến lập nghiệp tại các xã Phú Lộc, Ea Tân, Ea Toh và Đliê Ya vẫn giữ được những làn điệu ngọt ngào của dân ca quan họ Bắc Ninh. Nhiều Câu lạc bộ (CLB) hát quan họ ra đời gắn với những buổi sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu với các địa phương trong và ngoài huyện. Thôn Bắc Trung (xã Ea Tân) là một địa phương điển hình về duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt quan họ. Sau một ngày lao động vất vả, các liền anh, liền chị ngồi lại bên nhau luyện tập nhiều tiết mục dân ca để tham gia biểu diễn tại các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp; đồng thời lưu giữ Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng Phạm Ngọc Muộn
|
Đến với xã Ea Tam vào mùa lễ hội, chúng ta sẽ cảm nhận được nơi đây như một Việt Bắc thu nhỏ giữa lòng Tây Nguyên. Người dân dù xa quê hương đã lâu nhưng vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Xã Ea Tam có khoảng 2.200 dân, với nhiều dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Dao, Mông... cùng sinh sống. Hằng năm, cứ vào rằm tháng Giêng, nơi đây lại diễn ra Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc mang đậm bản sắc truyền thống. Phần lễ có các nghi thức cúng các thần linh, tạ ơn trời đất và cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà... Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động như: đàn tính, hát then, hội tung còn, bắn nỏ và các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, lảy cỏ, hội thi ẩm thực) thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ các nơi về trẩy hội. Đến với lễ hội, du khách còn được mời uống rượu men lá, tận mắt xem cách quay heo mắc mật, thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống như: bánh khẩu ri, bánh dày, tro bếp, sừng bò… Trong thời gian diễn ra lễ hội, các chàng trai, cô gái có dịp chuyện trò tâm sự và cùng nhau bắt đôi tung còn chọn bạn. Theo ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Ea Tam, Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm; đồng thời khuyến khích người dân trân trọng, tự hào và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ một nét tinh hoa văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở thôn Ea Chiêu (xã Ea Tân) đã thành lập CLB hát then, đàn tính. Hiện nay, CLB có 10 thành viên (3 nam, 7 nữ), tuổi đời từ 18-70, tự tập luyện và sinh hoạt đều đặn 1 buổi/tuần. Đây là một trong 5 CLB hát then, đàn tính trong toàn huyện, thường xuyên tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội và giao lưu văn hóa - văn nghệ với nhiều địa phương khác.
Ngoài ra, ở các xã Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang có khá đông người dân xứ Huế di cư vào lập nghiệp trên vùng đất mới hàng chục năm nay nhưng vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn về phong tục, tập quán sinh hoạt của vùng đất cố đô, trong đó thể hiện rõ nhất là thú vui chơi cây cảnh và đi lễ chùa vào dịp lễ, Tết…
Thế Hùng
Nguồn: Báo Dak Lak