Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thể dục, thể thao sửa đổi
Ngày đăng: 01/06/2018 10:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/06/2018 10:17
Sáng 31/5, các Đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Thể dục, thể thao (TDTT) sửa đổi. Đa số đại biểu đã đánh giá cao ban soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến các đại biểu trong bản dự thảo Luật trình lần này.
Tranh luận việc đưa hay không môn bơi thành môn học bắt buộc
Với đề xuất bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học).
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chỉnh lý Dự thảo theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 1 Điều 21, khoản 6 Điều 22).
Việc chỉnh lý này không những phát huy vai trò của Nhà nước, huy động nguồn lực của toàn xã hội đối với việc phát triển môn bơi mà còn nâng cao trách nhiệm của nhà trường, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc sử dụng cơ sở vật chất của các công trình thể dục, thể thao trong các cơ sở thể thao công lập phục vụ việc học bơi nói riêng và giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình thể dục, thể thao.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Dương Tấn Quân, cho hay: Đưa môn bơi lội đưa vào bắt buộc thì rất tốt. Tuy nhiên việc đưa vào chính khóa là khó khả thi vì không phải trường nào cũng có bể bơi, đến bể bơi bên ngoài thì tốn kém thêm kinh phí cho học sinh, nhà trường. Đại biểu này cho rằng quy định ưu tiên phát triển môn bơi như trong dự thảo là được.
Nhiều đại biểu khác cũng đồng ý với ý kiến này và cho rằng không phải em nào cũng bơi được, nên khuyến khích theo sở trường, khuyến khích xã hội hóa…
Tuy nhiên, một số đại biểu khác như Đại biểu Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Anh Trí… thì cho rằng nên có những hình thức quy định mềm mại hơn trong luật để đảm bảo nâng cao thể lực cho học sinh.
Về nội dung này, thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, bất kể người dân nào biết bơi đó là điều ai cũng mong muốn. Với ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cân nhắc việc có bổ sung quy định bắt buộc hay không. Và ban soạn thảo sẽ cân nhắc để đưa vào các điều trong luật cho rõ ràng hơn.
Quỹ đất cho thể thao trong các KCN: góp phần nâng cao tinh thần, thể lực cho công nhân
Một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không nên bổ sung quy định này vì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là nơi tập trung cho sản xuất nên quỹ đất chủ yếu được ưu tiên bố trí phục vụ mục đích sản xuất. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 65 Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã có quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc công trình thể thao vừa phải được bố trí ở khu dân cư (nơi sinh sống), vừa phải được bố trí ở nơi làm việc. Việc bố trí công trình thể thao ở cả hai nơi sẽ gây lãng phí và khó khả thi, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc bố trí quỹ đất, xây dựng, vận hành, quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình này.
Theo Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn, với khu công nghiệp diện tích lớn nên cần bố trí đất cho thể thao. Đó không phải là các công trình đồ sộ mà chỉ cần bố trí khu vực nhất định để phục vụ cho hoạt động thể thao của mình.
“Ủy ban thẩm tra có nêu việc này gây sức ép cho DN, nhưng nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Do vậy tôi lựa chọn phương án phải ưu tiên đất cho thể thao”- đại biểu Thành nêu.
Nhiều đại biểu cũng cho hay, thể thao tại khu công nghiệp không nhất thiết phải là những sân chơi lớn mà đôi khi là các hoạt động thể thao dân gian như kéo co, nhảy lò cò… cũng đã mang lại niềm vui cho công nhân sau những giờ làm việc căng thẳng.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ý kiến các đại biểu đưa ra thì phương án nào cũng thuyết phục. Với nội dung này, ban soạn thảo xin tiếp thu và trình Quốc hội cho ý kiến.
Kết thúc nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và cùng với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự luật.
Dự kiến cuối kỳ họp Quốc hội này, dự thảo Luật TDTT sẽ được biểu quyết thông qua./.
Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn
Nguồn: Bộ VHTTDL