Du lịch các tỉnh Tây Nguyên: Bao giờ thoát khỏi vùng trũng?
Ngày đăng: 23/03/2017 14:07
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/03/2017 14:07
Trong năm tỉnh Tây Nguyên, riêng chỉ có Lâm Đồng là phát huy phần nào lợi thế về du lịch, còn các tỉnh khác gần như chưa phát triển. Nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ khai thác cái sẵn có, chứ chưa hề có chiến lược đầu tư.
Tiềm năng rất lớn
Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng, là giao điểm của hai khu vực kinh tế trọng điểm như khu vực kinh tế phía Nam và khu vực kinh tế ven biển miền Trung. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng của các điều kiện tự nhiên và những giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa… có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Tây Nguyên là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Đó là “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như Nhà rông, Nhà dài, Nhà mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng chiêng, Bỏ mả, Cơm mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc (Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh...).
Vùng Tây Nguyên còn có một số địa điểm có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, là điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như Tuyền Lâm, Đan Kia (Đà Lạt - Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum). Tây Nguyên còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, cao nguyên, sông suối, thác nước, hồ... và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch như, cảnh quan hùng vĩ dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai...; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), hệ thống các thác nước đẹp như tranh vẽ như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Prenn... Tất cả những cảnh quan thiên nhiên ấy đều có thể khai thác trở thành điểm tham quan hết sức lý tưởng.
Ngoài các lợi thế về du lịch thiên nhiên, ở Tây Nguyên có bề dày văn hóa mà ít nơi nào có được, đây là những tài nguyên du lịch có giá trị để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Cụ thể, di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Ngục Đắk Glei, di tích lịch sử danh thắng Măng Đen, di tích Chiến thắng Plei Kần (Kon Tum). Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Tây Sơn Thượng Đạo, Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stor, Chiến thắng đường 7 sông Bờ (Gia Lai). Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, hang đá Đắk Tur, Đồn điền Ca Đa (Đắk Lắk). Lâm Đồng thì có chùa Linh Sơn, Linh Phong; Thiền viện Trúc Lâm, nhà thờ Chánh tòa, khu mộ cổ của dân tộc Mạ, khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên…
Thiếu đầu tư
Hiện nay, ở Tây Nguyên hiệu quả về phát triển du lịch tốt nhất là Lâm Đồng, tiếp đến là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, và thấp nhất là Đắk Nông. Lượng khách du lịch quốc tế đến Lâm Đồng góp 66,3% tổng lượng khách đến Tây Nguyên. Nguyên nhân một phần do du lịch Tây Nguyên chưa được đầu tư thích đáng, phát triển thiếu đồng bộ, còn khép kín trong từng địa phương, chưa tạo quá trình liên kết vùng bằng hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật. Lực lượng lao động trong ngành du lịch Tây Nguyên ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Đội ngũ lao động chưa được đào tạo một cách hệ thống. Gần 90% lao động chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Hiểu biết về địa lý, lịch sử địa phương, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên còn khiêm tốn. Ngoài ra, hệ thống nhà hàng ăn uống hiện đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chưa chú trọng đến đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên phục vụ và chưa có các sản phẩm ẩm thực đặc thù. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh, huyện còn mỏng và năng lực quản lý còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư các tỉnh Tây Nguyên lần thứ 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện du lịch Tây Nguyên đang là vùng trũng của cả nước. “Hiếm có vùng nào trên thế giới lại có một nơi ôn đới nằm trong vùng nhiệt đới như Tây Nguyên. Về văn hóa, ta có đủ cả văn hóa vật thể và phi vật thể giàu tính văn hóa bậc nhất cả nước. Đó là yếu tố quá thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp không khói, nhưng sao ta không làm được”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, hiện ngoài Lâm Đồng thì chưa tỉnh nào của Tây Nguyên phát triển du lịch đúng với tiềm năng mình có. Vì vậy, lãnh đạo các tỉnh cần lưu ý để đưa ngành công nghiệp không khói này lên tầm mới. Tuy nhiên, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa phải đi đôi với bảo tồn. Không làm theo kiểu chung chung, mà phải đưa ra được chiến lược cụ thể, phù hợp với tiềm năng mà mình có.