Bảo tàng tỉnh: Đa dạng các hoạt động giáo dục trải nghiệm
Ngày đăng: 01/07/2018 00:19
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/07/2018 00:19
Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã trở thành địa chỉ, điểm đến quen thuộc của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh không chỉ bởi hoạt động trưng bày thường xuyên, chuyên đề với nội dung đa dạng, phong phú mà còn “hút” khách bằng các hoạt động giáo dục trải nghiệm thú vị, hấp dẫn...
Chứng kiến một buổi trải nghiệm với chủ đề “Bé và thiên nhiên” do Bảo tàng tỉnh tổ chức gần đây mới thấy được sự sôi động, hấp dẫn của hình thức hoạt động này. Hơn 200 em thiếu niên, nhi đồng được chia thành các đội đã tích cực tham gia các trò chơi trí tuệ, thể lực, khám phá thiên nhiên, tham quan các phần trưng bày tại Bảo tàng, trải nghiệm cách thức chế tác, xem trình diễn nhạc cụ của người Êđê...
Cháu Hoàng Minh Nhật (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) hồ hởi nói: “Cháu rất thích tham gia các hoạt động trải nghiệm ở Bảo tàng vì được chơi nhiều trò chơi dân gian rất vui như: nhảy sạp, kéo co, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống, ném còn; ngoài ra còn được tham gia giải đáp đố vui, tìm hiểu, xem các nghệ nhân biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Tham gia hoạt động trải nghiệm này cháu đã làm quen được với nhiều bạn mới, biết thêm nhiều điều hay từ thực tế...”.
Chị Võ Thị Thanh Minh (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những phụ huynh đưa con đến tham gia hoạt động trải nghiệm “Bé và thiên nhiên” tại Bảo tàng nhận xét: Hoạt động giáo dục trải nghiệm của Bảo tàng tỉnh dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng khá phong phú; tạo cơ hội cho các cháu giao lưu, học hỏi, vui chơi, rèn luyện thể lực và phát triển các kỹ năng sống; giúp các cháu tiếp cận, hiểu biết thêm về các trò chơi dân gian, đồng thời khơi dậy trí tưởng tượng, sáng tạo; qua đó, bồi dưỡng cho các cháu tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống...
Không chỉ chương trình trải nghiệm “Bé và thiên nhiên” được Bảo tàng tỉnh tổ chức thành công mà nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm khác cũng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến như: Chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử được tổ chức thường xuyên; theo đó Bảo tàng mời các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên là lãnh đạo chủ chốt trong trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột lịch sử. Tại các buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề này thế hệ trẻ được tiếp xúc, trao đổi với những người trực tiếp tham gia vào sự kiện lịch sử, tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích, từ đó càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, của các thế hệ cha anh đi trước. Hoặc như Chương trình trải nghiệm “Âm hưởng núi rừng” với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm giới thiệu văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Chương trình có sự tương tác, giao lưu giữa du khách với các nghệ nhân rất sinh động, du khách có thể tập đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ, cùng nắm tay nhau mở rộng vòng xoang trong nhịp chiêng rộn ràng…
“Trong thời gian tới, trên cơ sở những gì đã và đang thực hiện cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm với các bảo tàng bạn, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi, hình thức hoạt động để làm tốt hơn công tác giáo dục trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng...”. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thụy Phương Hiếu
|
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm làm các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát bằng mây tre các vật dụng truyền thống, làm gốm, chế tác nhạc cụ, thưởng thức nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số... Đây là các hoạt động trải nghiệm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan vì mang lại nhiều hứng khởi và cảm xúc. Mỗi khi hoàn thành tác phẩm do chính mình làm ra, ai nấy đều rất thích thú, càng hiểu sâu hơn về những nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm là một trong những nhiệm vụ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh. Mặc dù đây mới là giai đoạn đầu Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động này và đối tượng hướng đến chủ yếu là học sinh, sinh viên nhưng đã mang lại kết quả rất tốt, được phụ huynh, thầy cô, các em học sinh và công chúng đánh giá cao. Điều này thể hiện qua số lượng du khách đến với Bảo tàng tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm ngày một tăng. Trong năm 2017, Bảo tàng phục vụ hơn 61.300 lượt khách tham quan (khách trong nước: hơn 57.000 lượt; khách quốc tế: hơn 4.300 lượt) và từ đầu năm đến nay phục vụ khoảng 36.200 lượt khách (khách trong nước: gần 34.400 lượt; khách quốc tế: hơn 1.800 lượt).
Từ những kết quả đáng khích lệ trên cho thấy, việc đa dạng hóa các loại hình hoạt động, đặc biệt là hoạt động giáo dục trải nghiệm đang là hướng đi đúng của Bảo tàng tỉnh. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế phát triển chung của xã hội, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, thì cần tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm văn hóa có giá trị; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách tham quan... để Bảo tàng ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc, yêu thích của mỗi người dân và du khách.
Lan Anh
Nguồn: Báo Đắk Lắk