Sức lan tỏa từ phong trào thi đua yêu nước
Ngày đăng: 02/07/2018 08:28
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/07/2018 08:28
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước bằng các việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Thôn 6 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) có 226 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Trước đây, đường liên thôn chỉ là những đoạn đường bùn đất nhỏ hẹp, hai bên cỏ cây mọc um tùm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Năm 2012, thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã nhiệt tình góp của, góp công bê tông hóa các tuyến đường. Cụ thể, bà con đã tham gia đóng góp trên 1.200 ngày công, 395 triệu đồng để xây dựng 8 trục đường nội thôn với tổng chiều dài gần 1,9 km. Nhờ vậy mọi tuyến đường làng, ngõ xóm ở thôn 6 đã khang trang, sạch, đẹp, đi lại an toàn hơn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Bà Lại Thị Ái, Trưởng thôn 6 cho biết, không riêng làm đường giao thông mà trước khi xây dựng bất cứ chương trình, hoạt động gì, thôn đều tổ chức họp bàn, thống nhất và công khai minh bạch tài chính đến từng hộ gia đình, nên tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Nhờ vậy, đến nay thôn đã hoàn thành 14/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp thôn và năm 2018 sẽ phấn đấu hoàn thành tiêu chí còn lại.
Cũng chính sự đồng thuận trong thực hiện phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, mà đến nay toàn tỉnh đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình cả tỉnh đã đạt được 12,84 tiêu chí/19 tiêu chí/xã. Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là nâng cao vai trò chủ thể của người dân nên đa phần bà con nhân dân rất phấn khởi, nhiệt tình tham gia; phát huy sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến như: nhân dân và cán bộ xã Buôn Tría (huyện Lắk), nhân dân và cán bộ xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc), gia đình ông Lê Ngọc Tuấn (xã Ea Pal, huyện Ea Kar), gia đình bà Nguyễn Thị Hương (xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar)… và còn rất nhiều tập thể, hộ gia đình đã và đang nhiệt tình hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cho phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh.
Lan tỏa, thiết thực và hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự hưởng ứng tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo người dân, mang lại hiệu quả thiết thực.
“Mỗi cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cần tích cực thi đua bằng cả tâm huyết, trí tuệ, tình cảm và trách nhiệm của mình để xứng đáng với công sức, sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh nhà giai đoạn mới”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh
|
Tiêu biểu như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có sức lan tỏa rộng rãi. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 350.000 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; trên 1.770 thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Thông qua phong trào, toàn tỉnh đã huy động sức dân đóng góp 178 tỷ đồng, hiến tặng hơn 182.000 m2 đất để nâng cấp, sửa chữa, làm mới hơn 340 km đường giao thông nông thôn, hơn 10 km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, tưới tiêu cho cây trồng.
Hay như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, có số lượng hội viên đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử, năm 2016 toàn tỉnh có 176.710 hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 65% so với số hộ nông nghiệp (tăng 49.870 hộ so với năm 2012). Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu rất cao, như Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột… Phong trào phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất, vốn kinh doanh lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng.
Còn rất nhiều phong trào, hoạt động thi đua tiêu biểu như: Phong trào “Năng suất – Chất lượng – Hiệu quả”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Thi đua Quyết thắng”, “Dạy tốt học tốt”, “Hiến máu tình nguyện”… đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh nhà.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động Cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Quỳnh Anh
Nguồn: Báo Đắk Lắk