Độc đáo món "vêch" của người Êđê
Ngày đăng: 09/07/2018 09:08
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/07/2018 09:08
"Vêch” theo tiếng của người Êđê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ mà phổ biến nhất là bò. Trong đoạn ruột ấy có chứa cả dịch tiêu hóa và phần cỏ vừa đi qua khỏi cái dạ dày 4 ngăn của con bò. Mới nghe thôi đã khiến nhiều người rùng mình. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của món ăn đoạt giải nhất Liên hoan ẩm thực Đất phương Nam năm 2018?
Trong hành trình tìm về cội nguồn của món “vêch”, tôi có duyên gặp gỡ với Khăm Phết Lào – con trai Ama Kông và nghe câu chuyện rất thú vị về món ăn này. Ai cũng biết đến Ama Kông với tài săn và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng vùng Tây Nguyên. Ngoài tên thường gọi theo tên của người con trai cả, ông còn có một cái tên khác là Aê Vě (ông của H’Vě). Theo lời của Khăm Phết Lào, “vě” là cách gọi của “vêch” theo tiếng M’nông. Ama Kông đã dùng món ăn yêu thích nhất của mình đặt cho đứa cháu gái đầu lòng với mong muốn đời sau nhớ mãi không quên món ngon ấy.
Thời bấy giờ, mỗi khi Ama Kông săn được một con voi rừng, dân làng sẽ mổ bò, mổ trâu để cúng các thần linh. Món “vêch” là một lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ quan trọng này. Cách nấu “vêch” cũng lắm công phu. Khăm Phết Lào cho biết, con bò thả rông trong rừng trong rẫy chỉ ăn cỏ và lá cây nên ruột rất sạch. Công đoạn giết bò, mổ lấy “vêch” được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi... được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ “vêch” kể trên và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng,... “Vêch” dùng để cúng thần linh được nấu riêng, chỉ Ama Kông và những người đặc biệt trong lễ cúng mới được ăn. Trong đó không thể thiếu mép bò, đoạn ruột non chọn làm “vêch” và một số phần được cho là ngon nhất của con bò.
Ngày nay, món “vêch” vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người Êđê, dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và hầu như người Êđê nào cũng biết nấu và nấu rất ngon. Với các gia đình người Êđê, mỗi lần mổ bò họ đều chọn lấy phần “vêch”, buộc lạt hai đầu rồi gác trên giàn bếp cho khô hẳn. Mỗi khi dùng, họ lại cắt lấy một đoạn “vêch” đem xào với cà đắng, với măng le hay nấu canh môn rừng. “Vêch” giống như một thứ gia vị tạo hương vị đặc biệt cho mọi món ăn chứ không riêng gì những món nấu từ nội tạng bò và được sử dụng thường xuyên trong bữa cơm hằng ngày. Những món ăn nấu cùng “vêch” sẽ có vị hơi đắng, ngọt hậu, hòa quyện cùng mùi thơm của cỏ, của dịch vị trong ruột bò rất đặc trưng, bất cứ ai từng được thưởng thức đều nhớ mãi.
Ông Lê Hoàng Cơ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Du lịch Đam San (Damsan Tourist) cho hay, quá trình chuẩn bị để mang món “vêch” đi dự thi tại Liên hoan ẩm thực Đất phương Nam năm 2018 rất công phu. Trước khi Liên hoan chính thức diễn ra, Damsan Tourist cùng với Công ty Truyền thông Sự kiện Pro đã làm một đoạn phim ngắn giới thiệu về món ăn này và phát trên Youtube. Nguyên liệu làm món ăn cũng phải đặt trước, chọn lọc những phần ngon nhất của con bò được chăn thả tự nhiên, chỉ ăn cỏ sạch. Ngoài ra, để gắn món “vêch” với cái hồn văn hóa Tây Nguyên, đơn vị còn tổ chức một đội chiêng biểu diễn ngay tại gian hàng ẩm thực của mình. Ban giám khảo và thực khách mọi miền khi nghe giới thiệu và nếm thử món ăn đặc biệt chỉ dành cho giai cấp thượng lưu thời xưa này đều bị thu hút và mê hoặc. Cũng theo ông Lê Hoàng Cơ, việc mang những món ăn truyền thống của núi rừng Tây Nguyên tham gia các hội thi, liên hoan chính là cách quảng bá tốt nhất cho văn hóa, giúp cho món ăn ấy được nâng tầm cao hơn. Sắp tới, Damsan Tourist và Công ty Truyền thông sự kiện Pro sẽ lập hồ sơ đề nghị đưa món “vêch” vào danh sách “Top 100 món ngon, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam”. Những nỗ lực ấy góp phần ghi dấu ấn của tỉnh nhà trên bản đồ ẩm thực, đưa món “vêch” vượt qua giới hạn của nếp nhà sàn, của buôn làng để trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch địa phương.
Bảo Bình
Nguồn: Báo Đắk Lắk