Đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm thu hút khách tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 23/04/2019 09:57
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/04/2019 09:57
Được thiết lập từ những năm 1930 - 1931, Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung Kỳ. Với đặc điểm về tự nhiên, dân cư, văn hóa của Đắk Lắk, kết hợp với lối kiến trúc nhà tù truyền thống của thực dân Pháp, Nhà đày đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của bọn xâm lược âm mưu đàn áp, thủ tiêu phong trào cách mạng nước ta. Tuy nhiên, kẻ thù càng thâm hiểm, tàn bạo bao nhiêu thì tinh thần và ý chí cách mạng càng được tôi luyện bấy nhiêu, Nhà đày Buôn Ma Thuột vì thế trở thành địa chỉ đỏ của phong trào yêu nước và phong trào cách mạng trong khoảng thời gian tồn tại của mình. Nơi đây thực dân Pháp đã từng giam giữ nhiều chiến sỹ yêu nước, là môi trường rèn luyện cho biết bao thế hệ cách mạng. Nhiều người về sau đảm nhận những những vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước và Quân đội như các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…
Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi ươm mầm cho hạt giống cách mạng ở Đắk Lắk. Cuối năm 1940, ở Nhà đày đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đo đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư. (Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk”). Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên tại Đắk Lắk. Từ những hạt nhân cách mạng trong Nhà đày, những cơ sở cách mạng được gây dựng ngày một nhiều, trong đó đặc biệt phải kể đến đồn điền CADA và một số đồn điền khác trong địa bàn tỉnh. Nhà đày Buôn Ma Thuột vì thế là một yếu tố hữu cơ, đầu mối của cuộc vận động giải phóng dân tộc, là bước chuẩn bị có tính chất quyết định cho những thắng lợi của cách mạng tại Đắk Lắk sau này.
Hiện nay Nhà đày được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho Ban Quản lý di tích bảo vệ, quản lý và phát huy. Lượng du khách đến với Nhà đày tăng lên hằng năm đã chứng tỏ việc phát huy giá trị di tích đã có hiệu quả. Năm 2015, Nhà đày dón trên 7000 lượt khách, năm 2016 có trên 9000 lượt và năm 2017 là 10.536 lượt khách. Thực tế, lượng khách tới tham quan Nhà đày trong những năm gần đây có thể chia ra thành các nhóm đối tượng sau:
Nhiều nhất là nhóm đối tượng học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh nhà, chiếm trên 2/3 tổng số khách tham quan. Tuy nhiên, mặc dù chiếm một lượng rất lớn nhưng số lượng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng học sinh các cấp của toàn ngành giáo dục trong tỉnh, đó là chưa kể tới đối tượng là học sinh, sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Thêm nữa, khi tới tham quan tại Nhà đày, nội dung và cách thức tham quan của học sinh chỉ là nghe giới thiệu về di tích từ đội ngũ thuyết minh viên, chưa có sự tương tác qua lại, chưa có chương trình sinh hoạt chủ động của các trường tại Di tích.
Nhóm đối tượng có số lượng ít hơn là các đoàn khách đi theo tour, tuyến. Theo thống kê năm 2017, số lượng khách du lịch tới Đắk Lắk là trên 700.000 lượt, chỉ trong quý I năm 2018, du khách tới Đắk Lắk là trên 200.000 lượt. Đối chiếu với lượng khách tới di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cho ra một thực trạng cần suy ngẫm. Rõ ràng, Nhà đày Buôn Ma Thuột chưa phải là điểm đến của du khách khi tới du lịch tại Đắk Lắk.
Nhóm đối tượng ở vị trí thứ ba là khối lực lượng vũ trang gồm: Công an, bộ đội, bộ đội biên phòng. Đây là nhóm khách mỗi lần tới tham quan Nhà đày đều tạo ra sự sôi động, tươi mới và luôn có những đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ tới tham quan mỗi khi có sự kiện tập trung lực lượng của ngành mình như hội thao, hội thảo, tập huấn, kỷ niệm ngày truyền thống…chưa tạo thành một hoạt động giáo dục truyền thống có tính chất thường xuyên, sâu rộng trong toàn khối lực lượng.
Ba nhóm đối tượng trên là những du khách chủ yếu tới tham quan Nhà đày, số còn lại là khách tự do, khách nghiên cứu, thân nhân tù chính trị… nhưng số lượng không đáng kể.
Giá trị lịch sử to lớn của Nhà đày Buôn Ma Thuột là điều không phải bàn cãi. Cộng thêm với những điều kiện thuận lợi về vị trí, không gian, cơ sở vật chất tại Di tích tạo cho nơi đây có một tiềm năng du lịch không hề nhỏ. Số lượng khách tham quan tới với Di tích hằng năm rõ ràng chưa tương xứng với tiềm năng đó. Để góp phần cải thiện thực trạng đó, bên cạnh các hoạt động chuyên môn đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gấp rút triển khai như xây dựng đề án bảo tồn, phát huy di tích, xây dựng hồ sơ xin xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt…thì một trong những giải pháp chính là tăng cường hoạt động định hướng, đẩy mạnh công tác phối hợp tại các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngay tại mỗi trường học, mỗi cơ quan cần định hướng rõ các hoạt động tri ân, về nguồn, giáo dục truyền thống đối với học sinh, sinh viên, chiến sỹ, công chức viên chức có nội dung hướng tới di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là đối với các công ty du lịch, lữ hành của tỉnh trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch để đưa Nhà đày thành một điểm đến trong lịch trình tham quan Đắk Lắk của mỗi du khách. Đến với Nhà đày, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy thỏa mãn bởi các giá trị tinh thần to lớn, từ đó sẽ trở thành những tình nguyện viên tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột đến với bè bạn gần xa.
Minh Khoa