Ngọt ngào làn điệu dân ca Êđê
Ngày đăng: 25/07/2018 08:08
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/07/2018 08:08
Đến cao nguyên Đắk Lắk, du khách không chỉ thưởng thức âm thanh cồng chiêng mà còn được lắng nghe những làn điệu dân ca Êđê sâu lắng, ngọt ngào.
Trong lần cùng Tỉnh Đoàn về Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana) bàn giao khu vui chơi thiếu nhi, chúng tôi được cô trò đón tiếp bằng tiết mục hát dân ca bài “Bến nước Dur Kmăn” rất hấp dẫn. Cô giáo H’ Ngăc Hmok (SN 1989, ở buôn Cuễ, xã Băng A Drênh), một trong hai người hát chính cho hay, từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ ru ngủ bằng những bài dân ca mượt mà. Lớn lên, cô được các chị, các mẹ truyền dạy để biểu diễn trong các ngày hội của buôn làng. Dần dần, cô trở thành “cây văn nghệ” của buôn.
Cùng song ca với H’ Ngăc còn có cô giáo Vũ Thị Thu Hương - quê Thái Bình nhưng hát dân ca Êđê hay không kém. Cô chia sẻ, cơ duyên đến với dân ca Êđê bắt nguồn từ nhu cầu muốn học tiếng của đồng bào để tiện giao tiếp với học sinh và phụ huynh trong trường. Từ chỗ học tiếng, cô Hương có cơ hội tiếp xúc với các làn điệu dân ca rồi say mê từ đó. Cái khó cô gặp phải trong quá trình tập hát là cách phát âm. Phát âm tiếng Êđê có nhiều từ ngữ cô phải đọc lướt, hoặc nhấn nhá, kéo hơi mới đúng chuẩn. Để thuộc một bài hát, cô Hương tập từ 10-15 ngày mới thành thục. Đến nay, cô thuộc nhiều làn điệu dân ca Êđê trong đó “Ru con” và “Bến nước Dur Kmăn” là hai bài “ruột”.
Tìm hiểu sâu về dân ca Êđê, cô giáo H’ Ngăc cho biết thêm, chủ đề trong dân ca Êđê rất gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Nội dung bài hát chủ yếu ca ngợi tình mẫu tử, tình chị - em, tình yêu đôi lứa… Ca từ bài hát cũng dễ hiểu, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Khi hát, lời ca sẽ quyện cùng hợp âm của tiếng trống, chiêng, đinh năm, đinh pút… tạo nên bản nhạc độc đáo, hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên. Để nhiều người hiểu được nội dung bài hát, cô thường phiên dịch lời ra tiếng Việt, hát hai thứ tiếng. Khi phiên dịch, cô luôn dịch sát nghĩa từ gốc Êđê, vừa giữ được âm vần, tiết tấu, nhịp điệu bài hát. Cô giáo H’ Ngăc tâm sự, ngày nay có nhiều dòng nhạc hiện đại du nhập vào buôn làng khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống nữa. Tuy nhiên cô vẫn tin dân ca của dân tộc mình vẫn có “đất sống” và luôn được nhiều người đón nhận. Minh chứng là mỗi khi dân ca Êđê xướng lên, dù ở trên tivi hay trong các cuộc thi hát, người xem đều lắng tai, tay vỗ tay theo điệu nhạc.
Hải Đăng
Nguồn: Báo Đắk lắk