Du lịch… ngắm voi
Ngày đăng: 25/07/2018 19:32
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/07/2018 19:32
Không còn phải gánh trên vai chiếc bành nặng trịch mỗi ngày để chở khách, không phải pha trò để mua vui cho du khách, những chú voi sẽ được tự do đi lại, tìm thức ăn dưới những cánh rừng vốn dĩ là “nhà” của chúng.
Một sự giải thoát cho voi nhà đang được Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện để thay thế hình thức du lịch cưỡi voi và những trải nghiệm trực tiếp tác động tới voi bằng mô hình du lịch sinh thái, thân thiện hơn với voi.
Sáng 13-7, một cam kết mang tính lịch sử, một sự thay đổi lớn trong cách sử dụng voi làm du lịch đã được Tổ chức Động vật Châu Á và VQG Yok Đôn ký kết, chấm dứt chuỗi ngày những con voi nhà phải oằn mình cõng khách, làm những trò mua vui cho du khách mà trước đây hằng ngày chúng vẫn phải làm. Theo cam kết này, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ hỗ trợ VQG Yok Đôn trong việc áp dụng mô hình du lịch thân thiện với voi nhằm đảm bảo đáp ứng được kỳ vọng và an toàn cho khách du lịch, đồng thời đáp ứng và duy trì phúc lợi tốt cho voi; cung cấp chuyên gia về voi trong suốt thời gian thực hiện Dự án; cam kết tài trợ một khoản tiền tổng trị giá tối đa 65.000 USD cho thời gian thực hiện Dự án (từ tháng 7-2018 đến 7-2023) nhằm hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi…
Ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi động vật thuộc Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, đây là mô hình du lịch sử dụng voi đầu tiên tại Việt Nam hạn chế tối đa việc con người tiếp xúc với voi nhằm tránh sự nguy hiểm cho cả người lẫn voi. Mô hình có rất nhiều tiềm năng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cũng từ mô hình này, mong muốn sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam học tập để từng bước điều chỉnh cách sử dụng voi làm du lịch, mở ra cơ hội mới trong giáo dục cộng đồng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. “Với cách sử dụng voi làm du lịch như hiện nay, du khách nhìn thấy voi, được trải nghiệm cảm giác cưỡi trên lưng chúng nhưng lại không được cung cấp những thông tin về voi như: tiểu sử, tập tính, hành vi tự nhiên…. Với mô hình du lịch mới với voi, du khách sẽ được ngắm voi trong rừng tự nhiên, được hướng dẫn viên mang đến những thông tin về voi cũng như thiên nhiên, hệ động thực vật ở khu vực voi đang sinh sống, như vậy sẽ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị, mới mẻ với voi và cũng tạo cho voi môi trường sống tốt đẹp hơn”, ông David Neale cho hay.
Toàn tỉnh hiện còn 45 con voi nhà, gồm 26 con voi cái và 19 con voi đực. Đa phần những con voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch. |
Tại Hội thảo Quốc tế về voi tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 1-2017, bà Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan chia sẻ câu chuyện thành công ở Thái Lan khi thay đổi cách sử dụng voi để làm du lịch. Bà cho biết, cách đây mấy năm, khi tổ chức của bà đến một ngôi làng có nhiều người nuôi voi, voi của người dân thường bị đưa lên các thành phố lớn để chở khách và thực hiện các trò tiêu khiển. Khi chúng trở về làng thì bị nhốt trong không gian chật hẹp, thiếu thức ăn. Để ngăn việc người dân đưa voi lên thành phố làm du lịch, tổ chức của bà đã trợ cấp một khoản tiền cho các chủ voi. Và để thay đổi cách ứng xử của chủ voi đối với voi nhà, bà và các nhân viên của tổ chức đã kiên trì tiếp cận và tuyên truyền cho người nuôi voi hiểu không dùng gậy sắt vẫn có thể điều khiển voi, không cần chở khách mà voi vẫn có thể làm du lịch. Đến nay, những chú voi ở ngôi làng này đã được đưa về sống ở những khu rừng xung quanh làng. Chúng được tự do đi lại, tìm thức ăn trong rừng và vẫn thu hút được khách du lịch. Du khách đến đây không phải để cưỡi voi hay xem các trò tiêu khiển do voi làm mà để đi theo những con voi vào rừng xem chúng ăn, ngủ, tìm hiểu cuộc sống của chúng. Mô hình này vừa giúp voi nhà có môi trường sinh sống tốt hơn, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thu nhập cho những người nuôi voi.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn đánh giá, việc sử dụng voi làm du lịch như cách làm truyền thống (cưỡi voi) gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tuổi thọ voi là điều không tránh khỏi. Vườn có 3 cá thể voi để phục vụ công tác tuần tra và hoạt động du lịch sinh thái, cách đây 3 năm đơn vị đã bắt đầu chuyển đổi từ mô hình sử dụng voi làm du lịch (cưỡi voi) thông thường dần sang hình thức du lịch khác thân thiện với voi như ngắm voi, tắm cho voi… Điều đáng mừng là những hoạt động du lịch với voi mới này thu hút được du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật Châu Á, những con voi của Vườn được tự do đi lại, kiếm ăn dưới những tán rừng, thể hiện những tập tính tự nhiên của chúng, những tiếp xúc với con người sẽ được hạn chế tối đa.
Vạn Tiếp (Báo Đắk Lắk)