Kinh tế Đắk Lắk nỗ lực thu hút đầu tư du lịch (Kỳ 2)
Ngày đăng: 23/08/2018 10:19
Kỳ 2: Những tín hiệu lạc quan
Từ chỗ tạo dựng được hành lang pháp lý tích cực và đáng tin cậy trong lĩnh vực du lịch đã từng bước kích thích các nhà đầu tư mở rộng quy mô dự án cũng như chương trình, kế hoạch kinh doanh tại nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã chỉ đạo sở chủ quản cần rà soát, đánh giá đúng mức và toàn diện tiến độ các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, để từ đó kịp thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong đó chú trọng đến các dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn trọng điểm về du lịch như TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Buôn Đôn, Lắk và Krông Ana.
Thông tin từ hội nghị trên đã cho thấy những tín hiệu lạc quan trong việc thu hút đầu tư, cũng như tiến độ triển khai các dự án du lịch mới. Ví như Khu du lịch Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột), Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cam kết sẽ hoàn tất và đưa vào khai thác các hạng mục (tổ hợp khách sạn, nhà hàng, sân vườn, công viên, phố đi bộ…) vào trung tuần tháng 5-2020. Nhà đầu tư “Thiên đường cà phê” này còn cho biết sẽ nỗ lực để có thể ra mắt công trình Bảo tàng Cà phê thế giới vào dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII – năm 2019 sắp tới.
Tương tự, Khu du lịch sinh thái – văn hóa cộng đồng Kô Tam cũng bắt đầu triển khai đầu tư giai đoạn 2 với sự liên kết làm du lịch với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở hai buôn Kô Tam và Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) trên diện tích được quy hoạch hơn 670 ha với nhiều sản phẩm hình thức phong phú, giàu bản sắc như Homestay, trải nghiệm văn hóa – văn nghệ dân gian, vườn tượng nhà mồ và cây trái đặc sản. Khu du lịch Hồ Lắk cũng được Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk hợp tác với Công ty Sài Gòn Tourist đầu tư cải tạo lại Biệt điện Bảo Đại, xây dựng thêm 16 resort với 32 phòng nghỉ dưỡng kèm theo hồ bơi, sân vườn, đường nội bộ và nhà hàng khoảng 300 chỗ ngồi nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách...
Nhiều điểm du lịch khác như Thác Dray Sáp Thượng – Dray Nur, huyện Krông Ana (Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê); Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk, xã Yang Tao và thị trấn Liên Sơn – huyện Lắk (Công ty TNHH Du lịch Đường Mòn); Khu du lịch Sơn Thủy, phường Ea Tam – TP. Buôn Ma Thuột (Doanh nghiệp Phúc Thiên Ân) cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017. Đặc biệt là tại Buôn Đôn, địa bàn được xác định là chiến lược trong chương trình, kế hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk đến năm 2030 cũng được chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quy hoạch, thuê và sử dụng đất, thủ tục xúc tiến đầu tư để mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Y Sy Thắk, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, kiêm Trưởng Ban Phát triển du lịch huyện cho biết, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đã tiến hành ký kết hợp đồng thuê đất của người dân thời hạn 30 năm (chứ không phải từng năm như trước) tại buôn Trí B, xã Krông Na nhằm lập dự án đầu tư thêm nhiều hạng mục, sản phẩm du lịch mới để cùng với khu du lịch hiện có tại buôn Trí A nâng cao vị thế và hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch Đắk Lắk nói chung.
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn – Ánh Dương cũng vậy, từ khi được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9-2015, Công ty TNHH Ánh Dương đã yên tâm và tích cực triển khai xây dựng nhiều hạng mục, công trình phục vụ du lịch tại đây. Theo anh Đặng Thanh Hà Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, từ trung tuần tháng 8-2018, một loạt sản phẩm du lịch đặc sắc như hành hương và chiêm bái Đồi Tâm linh, tham quan vườn thú hoang dã, thưởng ngoạn văn hóa cồng chiêng, lưu trú nhà dài, trải nghiệm và khám phá hồ Cư Minh bằng xe ngựa, thuyền đạp nước cùng nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí khác… sẽ được đưa vào phục vụ khách tham quan.
Rõ ràng sức hút đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Đắk Lắk đã có sự chuyển biến tích cực và lạc quan nhờ cơ chế, chính sách phù hợp được các cấp có thẩm quyền ban hành. Cùng với đó là việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại các vùng trọng điểm được quan tâm, triển khai mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cải thiện thực trạng “tay không bắt… nhà đầu tư” như trước đây, từng bước tạo sự tin cậy với đối tác trong mục tiêu phát triển ngành kinh tế quan trọng này vào những năm tiếp theo.
“Tổng nhu cầu vốn phục vụ cho lộ trình phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 lên tới hơn 5.350 tỷ đồng. Vì thế việc huy động, thu hút nguồn lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra là vấn đề được quan tâm hàng đầu” – (Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk) |
Đình Đối