Sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Ngày đăng: 27/03/2017 15:48
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/03/2017 15:48
Ngày 21/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Mục II, IV Điều 1 và phụ lục của Quyết định số 2200/QĐ-UBND ngày 26/9/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung gồm :
Về định hướng sản phẩm du lịch được bổ sung : Tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với làng nghề; du lịch nông nghiệp, trang trại; du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh; du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; du lịch gắn với lịch sử; du lịch văn hóa, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương; Phát triển thêm các sản phẩm du lịch thương mại; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, hội chợ, triễn lãm (MICE) để thu hút khách doanh nhân có thu nhập cao lưu trú dài ngày; sản phẩm ẩm thực Tây Nguyên; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.
Về không gian phát triển du lịch được sửa đổi, bổ sung : Ưu tiên phát triển không gian trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành thành phố xanh, văn hóa, lịch sử và là điểm đến du lịch hấp dẫn: văn minh, tiện ích, đặc sắc; vừa là trung tâm trung chuyển, dịch vụ và du lịch chính của tỉnh Đắk Lắk, vừa là điểm đến quan trọng của vùng Tây Nguyên ; Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Bắc (huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện Cư M’gar và vùng phụ cận), trong đó huyện Buôn Đôn là trung tâm du lịch và dịch vụ chính có khu du lịch quốc gia Yok Đôn, hệ sinh thái rừng khộp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội và công tác bảo tồn, phát triển voi nhà để duy trì sản phẩm đặc thù của du lịch Đắk Lắk ; Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Nam (huyện Lắk, huyện Krông Bông và vùng phụ cận), trong đó huyện Lắk là trung tâm dịch vụ và du lịch chính có điểm du lịch quốc gia hồ Lắk, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, tham quan di tích lịch sử cách mạng hang đá Đắk Tuar (huyện Krông Bông), cửa ngõ kết nối với trung tâm du lịch lớn của Tây Nguyên – thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ; Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Đông (huyện M’Drắk, huyện Ea Kar, huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và vùng phụ cận), trong đó thị xã Buôn Hồ là trung tâm dịch vụ và du lịch chính, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, từng bước khai thác thế mạnh trang trại, đồng cỏ trên cao nguyên M’Drắk.”
Các khu, điểm du lịch quan trọng được bổ sung như sau: Tập trung đầu tư phát triển thêm khu du lịch quốc gia Yok Đôn, điểm du lịch cáp treo Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn), điểm du lịch quốc gia hồ Lắk (huyện Lắk), điểm du lịch hồ Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột), điểm du lịch hồ thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo), điểm du lịch thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng), điểm du lịch cáp treo Krông Bông (huyện Krông Bông); điểm du lịch đồi Cư H’Lâm (huyện Cư M’Gar); các khu, điểm du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện: Lắk, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk; Tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng để tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, như: buôn Ako Dhong, buôn Tour, buôn Kmrơng Krông B - thành phố Buôn Ma Thuột ; buôn M’Liêng, buôn Triết - huyện Lắk ; buôn Ya - huyện Krông Bông ; buôn Tring - thị xã Buôn Hồ ; buôn Kon H’ring, buôn Thái - huyện Cư M’gar, buôn Yang Lành - huyện Buôn Đôn. Đồng thời nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng để triển khai tại một số buôn khác trên địa bàn tỉnh, nhất là các buôn có cụm nghề, cụm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm, nghề sản xuất rượu nếp, rượu men lá, sản xuất hoa - cây cảnh).
Về cơ sở lưu trú du lịch : Ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tại thành phố Buôn Ma Thuột để phục vụ nhu cầu của loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, hội chợ, triễn lãm (MICE) ; Tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo hình thức nhà có phòng cho thuê (homestay), phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt tại một số buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.”
Quyết định cũng đã chỉnh sửa nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn và bổ sung thêm một số dự án kêu gọi đầu tư du lịch vào phụ lục Danh mục bổ sung các dự án ưu tiên đầu tư vào du lịch đến năm 2030, đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, cùng với các Sở, ngành, địa phương của tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.