Sức lan tỏa từ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 01/04/2017 21:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/04/2017 21:21
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra trong những ngày tháng 3 lịch sử, kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc tổng tiến công Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước với những chương trình độc đáo đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách và bạn bè quốc tế.
Xác lập những “kỷ lục”
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), Hội chợ - Triển lãm Chuyên ngành Cà phê năm 2017, một trong những nội dung chính nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội lần này đã đạt ngưỡng mới không chỉ về quy mô với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước mà còn về xúc tiến thương mại thu hút đầu tư. Hội chợ - Triển lãm lần này thực sự đã tạo ra không gian “mở” để người trồng cà phê, DN, nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thương mại, xúc tiến đầu tư. Con số 350.000 lượt khách tham quan được ghi nhận là con số “kỷ lục” so với những kỳ lễ hội trước đây. Thêm vào đó là hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác của DN được ký kết cho thấy, Hội chợ - Triển lãm đã mở ra mối quan hệ giao thương cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê, góp phần nâng cao và lan tỏa giá trị Cà phê Buôn Ma Thuột.
Du khách nước ngoài thích thú với Triển lãm ảnh về cà phê và cồng chiêng Tây Nguyên.
Một “kỷ lục” đặc biệt ấn tượng được xác lập đó là khoảng 4 tỷ USD từ các DN và 29.000 tỷ đồng từ tổ chức tín dụng cam kết đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4. Trong đó, riêng đối với Đắk Lắk, tổng vốn đầu tư cam kết lên khoảng 83.000 tỷ đồng. Con số này được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên cũng như tạo đà để tỉnh ta vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trung tâm vùng. Ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành, một trong những nhà đầu tư tại Đắk Lắk nhận định, sự thành công trong thu hút đầu tư tại lễ hội lần này sẽ là động lực mạnh mẽ cho Đắk Lắk có những bước tiến mới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, gần gũi và đồng hành cùng DN trong thời gian qua cũng góp phần tạo dựng niềm tin, thu hút nguồn vốn đầu tư của DN.
Thêm một “kỷ lục” cho thấy sự thành công trong công tác tổ chức của Lễ hội chính là 100% kinh phí đã được xã hội hóa. Việc không sử dụng ngân sách địa phương cho mọi hoạt động trong lễ hội lần này cho thấy, tỉnh đã phát huy vai trò của của mình trong chỉ đạo, điều hành, năng động sáng tạo huy động tốt các nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Thăng hoa nhiều giá trị cảm xúc
Một trong những hoạt động đặc sắc trong chuỗi các sự kiện tại Lễ hội, đó là Đêm hội diễn tấu cồng chiêng có chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” do 10 đoàn nghệ nhân, nghệ thuật dân gian đến từ các tỉnh trong khu vực và quốc tế biểu diễn với những tiết mục đặc sắc, đầy ắp âm thanh và lung linh sắc màu đã thực sự trở thành đêm hội của những người đam mê di sản. Cùng với Lễ hội Cà phê, Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với 6 chương trình đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn, đã mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Như khẳng định của bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, không thể phát triển bền vững nếu không đặt văn hóa trong các chiến lược phát triển kinh tế. Vì vậy, đầu tư cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được xem là đầu tư cho phát triển bền vững. Liên hoan đã khơi dậy sức sống mãnh liệt, trường tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Những âm thanh ấy như thúc giục mời gọi hãy đến với Tây Nguyên, với Đắk Lắk để được hòa mình vào những không gian văn hóa độc đáo của cộng đồng người Êđê, M’nông, J’rai, Ba Na.
Có thể nói chưa có lần tổ chức nào, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lại tràn đầy cảm xúc của âm thanh, màu sắc thu hút đông đảo người dân và du khách cùng hòa chung điệu chiêng, nhịp xoang như Lễ hội lần này. Có lẽ, đó cũng là một trong những thành công của lễ hội năm nay trong việc mang những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên đến gần hơn với người dân, du khách cùng bè bạn quốc tế. Và như tên gọi của chủ đề là Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã mang lại những cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất hội tụ tinh hoa của đất trời và vạn vật. |