Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với việc xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội
Ngày đăng: 05/05/2017 21:34
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/05/2017 21:34
Tệ nạn xã hội ngày nay không chỉ dừng lại ở các thành phố, thị xã mà hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào trong từng thôn xóm, buôn làng, cơ quan, doanh nghiệp, trường học thậm chí cả những vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi, hẻo lánh. Nó diễn ra hết sức phức tạp từ các vũ trường, nhà hàng, khách sạn đến các quán karaoke… làm cho công tác phòng ngừa ngày một phức tạp vì hậu quả mà nó để lại là vô cùng nghiêm trọng cho toàn xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đặt ra nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa là: “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở, các vùng dân cư đời sống văn hóa lành mạnh, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh. Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tốt đẹp, phong phú”.
Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã có sự quan tâm thích đáng cho công tác này, cụ thể:
Đã chú trọng vai trò của các cấp chính quyền cơ sở, tăng cường đẩy mạnh các chương trình hoạt động văn hóa về cơ sở nhằm phát huy sức mạnh; tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, tuyên truyền liên tục, tuyên truyền bằng mọi phương thức, trong đó chú trọng hình thức có tính hiệu quả cao như tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng sân khấu hóa.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở thông qua việc đưa nội dung tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội vào các hoạt động văn hóa như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa thông tin; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ đó tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội theo chức năng của ngành, với phương châm “lấy xây để chống”.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa như triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao hướng về xây dựng nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến; lồng ghép tiêu chí “không có tệ nạn xã hội” với các tiêu chuẩn để công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa’…; phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở hoạt động văn hóa, tập trung vào các quán bar, nhà hàng, vũ trường, các cơ sở dịch vụ internet nhằm giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh…
Với nhận thức phát triển sự nghiệp văn hóa phải gắn liền với môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, cộng đồng và địa bàn dân cư. Thực hiện các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở nhằm giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để mọi người dân có ý thức thực hiện. Phê phán, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che cho các tệ nạn xã hội kể cả cán bộ, đảng viên. Hơn bao giờ hết, công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở mỗi cộng đồng dân cư đang là một thách thức lớn trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng càng nhiều khu dân cư không có tệ nạn xã hội, trường học không có tệ nạn xã hội, gia đình văn hóa chính là việc làm thiết thực bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Vì thế, để việc xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội, thiết nghĩ là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp nhất là trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Văn hóa cần có sự tăng cường phối hợp của các cấp, ngành cơ sở thì việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo cuộc sống an bình cho Nhân dân là điều không khó./.