THÊM MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ TRÊN CAO NGUYÊN ĐẮK LẮK
Ngày đăng: 20/05/2017 21:49
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/05/2017 21:49
Sau nhiều năm khảo sát, lập hồ sơ và qua nhiều khâu thẩm định, ngày 09/03/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng Di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) thuộc xã Cư Pui, xã Yang Mao, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là Di tích lịch sử quốc gia, đưa tổng số di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên 26 di tích.
Từ dấu ấn của một thời đạn lửa...
Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) nằm dưới chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ thuộc địa phận huyện Krông Bông, cách trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột khoảng từ 70 - 90 km về hướng Đông Nam. Đây là một trong những dãy núi có địa hình hiểm trở, với đặc điểm rừng già có suối, có sông, và sườn núi là những vách đá cheo leo…Chính vì những lợi thế trên mà từ năm 1965 - 1975, vùng núi rừng của dãy Cư Yang Sin đã trở thành chỗ dựa của căn cứ địa cách mạng của Đắk Lắk. Nơi đây không chỉ là đường dây liên lạc thông tin, là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu thuộc đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây đảm bảo cho sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với chiến trường miền Nam kịp thời; đảm bảo sự chi viện sức người, sức của và các phương tiện chiến tranh cho chiến trường miền Nam mà còn là nơi Cơ quan Tỉnh uỷ Đắk Lắk cùng các cơ quan, ban ngành và lực lượng vũ trang trong tỉnh chọn làm nơi đứng chân, làm việc, hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc của quân và dân tỉnh Đắk Lắk.
Căn cứ vào các tài liệu lịch sử và lời kể của các đồng chí lão thành cách mạng đã từng hoạt động tại Khu căn cứ[1], Đắk Lắk là một địa bàn chiến lược quan trọng đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam. Đầu năm 1960, để tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía nam tỉnh Đắk Lắk, Liên Khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk ra làm bốn đơn vị riêng: B3, B4, B5, B6, trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Liên tỉnh IV và Liên Khu ủy V. Ngày 9/5/1965, B5 (Nam đường 21) được giải phóng. Để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn tỉnh Đắk Lắk, tháng 10 năm 1965 Khu uỷ V quyết định hợp nhất B3, B5 lại thành tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy mới do đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) làm Bí thư Bí thư B5 về làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk từ nay trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Khu ủy V. Sau khi hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển Cơ quan Tỉnh ủy cùng tất cả các cơ quan, ban ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh vào cánh Nam (Nam đường 21) để trực tiếp chỉ đạo triển khai kế hoạch chống địch càn quét, bảo vệ, xây dựng vùng mới giải phóng và từng bước xây dựng vùng mới giải phóng cánh Nam thành căn cứ cách mạng vững chắc nối liên với Khu căn cứ kháng chiến Cư Jǔ – Dliê Ya (cánh Bắc) thành một khu căn cứ cách mạng hoàn chỉnh của tỉnh Đắk Lắk. Trong lúc đó, căn cứ cánh Bắc chỉ bố trí để lại một bộ phận nhỏ bám trụ tiếp tục nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, sản xuất dự trữ lương thực… Đến tháng 6/1966, tất cả các cơ quan, ban, ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh đã lần lượt chuyển hết vào cánh Nam.
Tháng 7-1966, Đảng bộ tỉnh triệu tập Đại hội Đại biểu lần thứ III tại buôn Đắk Tuôr để kiểm điểm công tác hai năm 1965-1966, đề ra nhiệm vụ đấu tranh đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, giữ vững phong trào cách mạng và xây dựng vùng giải phóng phát triển toàn diện.
Tháng 4-1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV khai mạc ở buôn Năng Dơng, Đại hội đánh giá mặt mạnh, yếu của ta trong đấu tranh chống địch, giành giữ các vùng nông thôn, nhất là kiểm điểm những thiếu sót, thiếu cảnh giác của ta để địch dồn sức và cưỡng ép dân ra khỏi vùng giải phóng. Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách trong những năm 1969-1970 đó là: Phát triển lực lượng vũ trang, chống “bình định” lấn chiếm, củng cố vùng giải phóng toàn diện về mọi mặt; đẩy mạnh phong trào đấu tranh du kích, đưa Chiến tranh du kích vào vùng địch kiểm soát, vùng ven thị xã, quận lỵ.
Tháng 10-1971, tỉnh mở Đại hội lần thứ V tại buôn Ngô nhằm đánh giá tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thực lực, tổ chức đánh địch trên 3 mặt: quân sự, chính trị, binh vận trong giai đoạn đầu chống chiến tranh “Việt Nam hóa” của Mỹ-ngụy. Đại hội đánh giá cao tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong vùng kháng chiến. Càng khó khăn ác liệt, đồng bào càng đoàn kết gắn bó với Đảng, nêu cao quyết tâm: “một tấc không đi, một ly không dời”, hy sinh tất cả vì kháng chiến. Nhiệm vụ trong những năm tới là tập trung sức lực, củng cố toàn diện vùng căn cứ địa cách mạng ngang tầm với yêu cầu của hậu phương lớn cho chiến trường toàn tỉnh.
Vượt lên trên tất cả những khó khăn, gian khổ, tổn thất nặng nề, cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc ở Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) bền bỉ đấu tranh và giành được nhiều thắng lợi to lớn. Khu căn cứ đóng vai trò căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não của tỉnh, đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk như một dấu son chói lọi phản ánh trung thực sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, trực tiếp là Tỉnh ủy Đắk Lắk đối với các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk anh hùng.
...đến bảo vệ và phát huy giá trị Di tích cho thế hệ mai sau
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) vẫn mãi là dấu ấn lịch sử quan trọng, chứa đựng trong đó là truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk. Khu căn cứ dựa lưng vào dãy Cư Yang Sin, dãy núi đã được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên với đỉnh cao 2.442m với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Vì vậy, ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa Khu căn cứ vẫn còn có giá trị thẩm mỹ, khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Đây là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, chiêm ngưỡng, chinh phục, khám phá.
Năm 2007, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phòng Quản lý di tích của Bảo tàng tỉnh (nay là Ban Quản lý di tích) đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu, công tác tại Khu căn cứ hiện đang sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh để sưu tầm sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến Khu căn cứ. Sau nhiều năm khảo sát, lập hồ sơ và qua nhiều khâu thẩm định, đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, ngày 09 tháng 3 năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng Di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) thuộc xã Cư Pui, xã Yang Mao, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là Di tích lịch sử quốc gia. Khu căn cứ là một trong những địa chỉ đỏ tri ân xương máu của lớp người đi trước, góp giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk có giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích thể hiện lòng tri ân đến các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc của Nhân dân ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích trong thời gian tới, thiết nghĩ cần định hướng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy các giá di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, Di tích Khu căn cứ nói riêng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Cần triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích; kêu gọi các nhà đầu tư trong và tỉnh đến hợp tác, đầu tư tại Khu di tích để nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ trên cao nguyên Đắk Lắk, là điểm nhấn về du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk
Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL
([1]) Tài liệu tham khảo và nhân chứng lịch sử:
1. Đắk Lắk 30 năm chiến tranh giải phóng (tập 2) Kháng chiến chống thực dân Pháp (1954 - 1975), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk - 1994;
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (1954 - 1975), NXB Chính trị quốc gia Hà Nội - 2003;
3. Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Bông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia - 2001;
4. Hồ sơ Lý lịch di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975)
5. Đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khóa V (10/1971 - 9/1973), khóa VI (9/1973 - 12/1975) ngụ số nhà 231/3 đường Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
6. Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 7/1969 - 12/1975 và từ tháng 3/1983 - 10/1992, ngụ tại 21 Lê Minh Xuân, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
7. Đồng chí Siu Pui (Ama Thương), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 10/1971 - 12/1975 và từ 3/1983 – 10/1992, ngụ tại 27/2 đường Hùng Vương, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.
8. Đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy ngụ tại 52 A, thôn 1, xã Hòa Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột;
9. Đồng chí Phạm Ngọc Lợi, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ở tại số 79, đường Ama Khê, phường Tân Lập, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, còn một số đồng chí nhân chứng là du kích, cảnh vệ đã từng hoạt động tại Khu căn cứ, hiện đang sinh sống ở buôn M’Nang Dơng, xã Yang Mao; buôn Đăk Tuôr, xã Cư Pui; buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.