ĐỂ GÓP PHẦN BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN DI CƯ TẠI TÂY NGUYÊN
Ngày đăng: 22/06/2017 10:20
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/06/2017 10:20
Những năm gần đây, một số lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư được duy trì tổ chức tại nhiều địa phương của Tây Nguyên.
Những liên hoan văn hóa thường kỳ của ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên ngày càng có nhiều sự hiện diện của tiếng khèn, điệu múa ô của người Mông, múa gậy Dao, cây đàn tính Tày, xòe Thái… Ở Đắk Lắk, một số lễ hội đã được duy trì đều đặn vào tháng Giêng trong 10 năm trở lại đây, như: Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc của đồng bào Tày ở huyện Krông Năng; Lễ hội Hảng Pồ của người Nùng tại TX. Buôn Hồ; lễ khai hạ của người Mường và Hội xuân của người Thái tại TP. Buôn Ma Thuột; lễ hội Lồng Tồng của người Tày huyện Ea Súp; chợ phiên của đồng bào Mông ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông)…
Có thể thấy, các lễ hội đều được tổ chức tại những địa bàn mà đời sống kinh tế đã thật sự ổn định; do tự người dân lựa chọn, tự đóng góp, chính quyền chỉ là đơn vị đứng ra tổ chức, với mức hỗ trợ rất thấp (500.000 – 2 triệu đồng). Sau những tháng năm vất vả vì mưu sinh, khi cuộc sống khá lên, đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư có nhu cầu tìm về cội nguồn văn hóa của mình.
Hiện tại chỉ có hơn 10 dân tộc phía Bắc đông dân di cư vào Tây Nguyên, nhưng tỷ lệ của từng dân tộc thì đông gấp rưỡi người dân tộc thiểu số tại chỗ (chẳng hạn, tại huyện M’Đrắk, số người dân tộc thiểu số tại chỗ là 18.177, người dân tộc thiểu số phía Bắc là 18.695. Ở các địa phương khác tỷ lệ này cao hơn nhiều, vì M’Đrắk là một vùng đất kém màu mỡ). Và không phải đại bộ phận người dân di cư đã có đời sống kinh tế ổn định; tại các vùng sâu, vùng xa, đa số bà con vẫn có cuộc sống bấp bênh, nếu có phát triển đôi chút cũng chưa thể gọi là bền vững.
Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc di cư, không thể bỏ qua công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là nhu cầu về đất sản xuất. Khi đói nghèo không còn là nỗi lo thường trực, thì con người sẽ quay lại với cội nguồn. Để làm được như thế, cần tạo điều kiện để bà con được giải quyết vấn đề Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân nhằm giúp bà con có tư cách pháp nhân, có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các lớp tập huấn kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, học tại đầu bờ để bà con tiếp thu một cách vững chắc, áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, nâng sản lượng, giải quyết dứt điểm việc đứt bữa mùa giáp hạt.
Một giải pháp quan trọng nữa là cần đào tạo nhiều giáo viên mẫu giáo, tiểu học là người dân tộc thiểu số tại địa bàn các vùng dân tộc, vùng xa; giảm hoặc miễn học phí cho con em người dân tộc thiểu số nhằm giúp trẻ em tiếp thu văn hóa dễ dàng hơn. Đối với những vùng đã tổ chức các lễ hội văn hóa cổ truyền thường niên, nên có chủ trương khuyến khích mở rộng thêm với các tộc người khác để lễ hội thêm phong phú, đa dạng.
Ngoài ra, đối với những vùng kinh tế chưa phát triển, ngành văn hóa địa phương cần động viên bà con mang văn hóa truyền thống đến tham dự các liên hoan, ngày hội văn hóa hoặc ngày hội Đoàn kết các dân tộc; mở rộng cả nghệ thuật diễn xướng lẫn nghề thủ công, nghệ thuật ẩm thực nhằm giúp bà con tự mình bảo tồn và khôi phục văn hóa truyền thống.
Với tỷ lệ rất cao của dân di cư tại Tây Nguyên, rất cần có sự chỉ đạo sâu sắc, am hiểu từ phía các cơ quan chức năng để có những chính sách đặc thù từng vùng nhằm giúp bà con không chỉ tự hào về nguồn gốc văn hóa của mình mà còn tự nguyện gìn giữ, bảo tồn và phát huy những tinh hoa của văn hóa truyền thống trên quê hương mới.