Độc đáo nghi lễ cầu mưa của người Êđê Mdhur
Ngày đăng: 09/10/2018 14:55
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/10/2018 14:55
Cũng giống nhiều cộng đồng dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Êđê sống ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên (còn gọi là người Êđê Mđhur, có nghĩa là “người ở phía mặt trời mọc Tây Nguyên”) vẫn còn gìn giữ và bảo tồn nhiều nét văn hóa mang đậm dấu ấn tộc người.
Trong đó, lễ cầu mưa là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Mới đây, nằm trong chuỗi các hoạt động của “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III, năm 2018” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, đoàn nghệ nhân dân gian người Êđê Mdhur tỉnh Phú Yên đã tái hiện lễ cầu mưa theo nghi thức cổ truyền của mình, giới thiệu đến du khách một nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo.
Theo phong tục truyền thống, vào khoảng tháng 3 - 4 âm lịch hằng năm, chuẩn bị vào mùa gieo trồng mới, đồng bào Êđê Mdhur ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) thường tổ chức lễ cầu mưa với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc được người Êđê Mdhur lưu truyền từ xa xưa. Lễ cầu mưa còn mang ý nghĩa hết sức đặc biệt về tâm linh, mục đích là cầu cho các thần linh, ông trời, bà trời, các thần lớn, thần nhỏ mang mưa về cho buôn làng, phù hộ cho cây lúa trổ nhiều bông chắc hạt, được mùa nương rẫy, lúa đầy chòi, cây cỏ xanh tươi, trâu bò, heo gà sinh sôi bầy đàn, cầu mưa xuống cho khí hậu trong lành, mát mẻ, con người có nhiều sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân làng đoàn kết, nhà nhà yên vui, cộng đồng phát triển.
Để thực hiện lễ cầu mưa, người dân trong buôn làng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như: một ché rượu cần ngon, một nồi đồng đựng nước lấy từ con suối nơi thượng nguồn vào buổi sáng tinh mơ, một con gà trống luộc chín, bảy tô cháo gà, một tô cơm cùng một nồi đồng cơm, một chén rượu và một cây đèn sáp. Những lễ vật cúng yang và thần linh được để trên một chiếc chiếu đặt dưới mặt đất; riêng gà cúng được để trên lá chuối lót trong mâm đan bằng tre.
Trước mâm cúng, thầy cúng ngồi bên ché rượu cần với vẻ trang nghiêm, trịnh trọng, thể hiện sức mạnh thiêng liêng, sức mạnh của siêu nhiên, huyền bí. Khi âm thanh của dàn chiêng nổi lên, thầy cúng mở đầu nghi thức cúng với lời khấn: “Cầu yang trời, yang đất, thần mưa đổ nước xuống để người Êđê có nước trồng trỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ…”.
Hòa cùng với tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang dội vào từng ngõ ngách, vách núi cao, thầy cúng đứng lên thành kính nâng chén rượu được rót ra từ ché rượu và cầm chén rượu vẩy xuống đất rẫy để mời các thần uống rượu, rồi tiếp tục quay về mâm cúng đọc lời khấn lần thứ hai với nội dung: “Cầu ông bà, tổ tiên phù hộ cho mọi người trong buôn làng hạnh phúc, có sức khỏe tốt, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau”.
Mọi người dự cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và quyết tâm bước vào mùa rẫy mới. Chủ buôn được thầy cúng mời ăn thịt gà, uống rượu cần ở mâm cúng trước tiên, sau đó đến lượt bà con trong buôn. Chiêng tiếp tục được tấu lên rộn ràng. Lúc này, các chàng trai cầm khiên, giáo múa một vòng quanh rẫy, cùng lúc bà con bắt đầu tỏa đi bắt tổ ong lấy mật và kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy bắt thêm con sóc, con chồn, chuột núi… làm thực phẩm ăn trong mùa trỉa lúa.
Nhịp chiêng cứ mãi đánh lên và nhịp múa của những thanh niên nam nữ Êđê Mdhur cứ tiếp diễn theo vòng tròn. Hết múa, rồi uống rượu cần. Cứ thế, đồng bào quay quần bên nhau ăn uống thỏa thuê và vui chơi thỏa thích, rồi ngày mai lại cùng nhau lên rẫy bắt tay vào vụ trồng trỉa mới.
Dù cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại nhưng ngày nay người Êđê Mdhur ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) vẫn còn gìn giữ và duy trì lễ cầu mưa mỗi khi trời nắng hạn kéo dài để mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, buôn làng đoàn kết, hạnh phúc.
Nguyễn Văn Sơn
Nguồn: Báo Đắk Lắk