Tạo "điểm nhấn" phát triển dịch vụ du lịch
Ngày đăng: 31/10/2018 15:55
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/10/2018 15:55
Những năm qua, Đắk Lắk luôn quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Trong chuyên mục “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông THÁI HỒNG HÀ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để làm rõ hơn vấn đề này.
°Tiềm năng du lịch của tỉnh rất phong phú và đã được quan tâm đầu tư, song ngành Du lịch phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Đúng vậy! Trong những năm qua, ngành Du lịch Đắk Lắk đã được quan tâm đầu tư và có những bước chuyển biến nhất định, ngày càng thu hút được nhiều du khách, tuy nhiên việc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo tôi có bốn nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, địa bàn Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa có cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trong khi điều kiện về địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Vấn đề thứ hai,Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình về phát triển du lịch và được cụ thể hóa bằng nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND tỉnh nhưng việc triển khai, đầu tư cho phát triển du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, vì Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo và nhận sự hỗ trợ của Trung ương tương đối lớn. Vấn đề thứ ba, việc quản lý và bảo vệ rừng cùng với phát triển các thủy điện đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm du lịch mà các nhà đầu tư muốn vào đầu tư tại Tây Nguyên. Vấn đề thứ tư, chúng ta đã có quy hoạch phát triển du lịch nhưng các doanh nghiệp vào thì còn nhỏ lẻ, các sản phẩm chưa phong phú; đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động chưa được đào tạo cơ bản, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao...
°Thực tế cho thấy, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng trong văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, việc kết nối du lịch giữa các địa phương chưa chặt chẽ, chưa tạo ra được các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đủ để thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày. Vậy, theo ông để thu hút, "giữ chân" khách du lịch đến với Đắk Lắk, chúng ta cần phải làm gì?
+ Đắk Lắk có 47/54 dân tộc cùng chung sống, phát triển, do vậy vấn đề đầu tiên chúng ta phải xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Vấn đề thứ hai chúng ta cần tạo ra các sản phẩm độc đáo của từng địa phương và tránh sự trùng lắp lẫn nhau. Vấn đề thứ ba là phát huy giá trị của 29 di tích hiện có trên địa bàn tỉnh và hoàn thiện các hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Vấn đề nữa là mỗi người dân của Đắk Lắk phải trở thành một hướng dẫn viên du lịch và tạo ra sự thân thiện để khi du khách đến Đắk Lắk đều cảm nhận được sự mến khách của người dân nơi đây...
°Phát triển du lịch theo hướng bền vững, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường đang là một trong những yêu cầu cấp thiết. Thời gian tới, địa phương cần có những định hướng như thế nào để phát triển các dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, thưa ông? |
+ Với lợi thế về tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, Đắk Lắk đã và đang tận dụng tiềm năng này để thu hút đầu tư, tạo sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh việc bảo đảm các lợi ích kinh tế thì nhất thiết phải bảo vệ được môi trường cảnh quan và phát triển du lịch bền vững. Do đó trong các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh luôn định hướng phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch thân thiện gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch điện gió, năng lượng mặt trời... Đây là những loại hình du lịch chúng ta có lợi thế và nhiều tiềm năng, nếu phát triển được thì rất bền vững.
°Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Lan Anh (Báo Đắk Lắk)