Nghệ nhân làng Phước Kiều - Quảng Nam trình diễn đúc chiêng Knah tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 12/03/2019 15:26
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/03/2019 15:26
Chiều 11/3, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức khai mạc trình diễn đúc cồng chiêng. Đến dự có lãnh đạo Sở, nhân dân và du khách, nghệ nhân cồng chiêng trong tỉnh.
Tại đây, các nghệ nhân đúc đồng làng Phước Kiều - Quảng Nam đã trình diễn các công đoạn đúc và hoàn thiện bộ chiêng đồng Knah của dân tộc Êđê. Bộ chiêng gồm 6 chiếc được thực hiện từ các công đoạn tạo khuôn, rót đồng, làm nguội, đánh bóng, chỉnh âm, trình diễn nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách về loại nhạc cụ đặc sắc và tiêu biểu này.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đặng Gia Duẩn- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh, việc tổ chức trình diễn đúc cồng chiêng nhằm giới thiệu đến nhân dân và du khách tham quan tại Lễ hội về nghề đúc chiêng truyền thống do các nghệ nhân đến từ Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, tỉnh Quảng Nam trình diễn.
Qua đó để giúp người dân, du khách tìm hiểu thêm về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử ra đời của những bộ chiêng quý, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nội dung, lộ trình đã cam kết với Tổ chức UNESCO, Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Đắk Lắk, về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Làng nghề đúc chiêng Phước Kiều - Quảng Nam có từ lâu đời vào đầu thế kỷ thứ 17, hình thành và phát triển trên 400 năm qua. Hiện nay, làng nghề đã cung cấp trên 4.000 bộ chiêng các loại cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, như: Ê Đê, Bah Nah, Jrai, Sê đăng, M’nông, Mạ, Chu Ru, Cờ Ho.. góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu:
Kim Bảo (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Đắk Lắk)