Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội
Ngày đăng: 01/04/2019 09:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/04/2019 09:21
Với 47 dân tộc cùng chung sống, bức tranh văn hóa của Đắk Lắk được dệt nên rực rỡ sắc màu, thể hiện rõ qua các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống.
Hằng năm, cứ vào độ từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, các dân tộc trên địa bàn tỉnh lại tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc mình với mong muốn cầu cho năm mới an khang thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: lễ mừng lúa mới của người Êđê, Xê Đăng, người Thái; lễ khai hạ của người Mường; lễ hội lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, Nùng; lễ cúng bến nước của người Êđê…
Hầu hết ở các dịp này đều diễn ra phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ cúng thần linh, được tổ chức trang trọng, linh thiêng; phần hội chú trọng trò chơi dân gian, kết hợp có chọn lọc các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Điều đặc biệt trong các lễ hội đã thu hút được cả cộng đồng tham gia. Từ diễn tấu cồng chiêng, múa xoang đến chuẩn bị vật cúng cũng như thực hiện các nghi thức liên quan đều là thành viên của cộng đồng tự đứng ra tiến hành. Mọi việc cứ tuần tự, diễn ra tự nhiên không mang tính “biểu diễn”.
Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên
|
Mặc dù là lễ hội truyền thống, nhưng các lễ hội không chỉ thu hút sự quan tâm của người già mà còn là nơi tìm đến của thế hệ trẻ. Bên cạnh việc tham gia sôi nổi vào các hoạt động văn hóa, thể thao, thanh thiếu niên còn có nhu cầu tìm hiểu, cảm nhận về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, người lớn tuổi là “kho từ điển sống” về văn hóa của mỗi buôn làng, nên trong các lễ hội già làng và các bậc cao niên luôn có vai trò quan trọng, là người đứng ra cúng tế, phân công và huy động nhân lực, tài lực.
Chị Kha Thị Quý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) cho biết: “Năm nào người dân buôn Thái cũng tổ chức lễ mừng lúa mới một cách trọng thể, theo hình thức cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi như: nghi lễ cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng, múa mừng lúa mới, giao lưu văn nghệ cùng các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống... Để tổ chức ngày hội thành công, mỗi người dân trong buôn đều dành nhiều thời gian để chuẩn bị, từ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người đến việc huy động kinh phí, rồi luyện tập văn nghệ... Già trẻ, gái trai ai nấy đều náo nức, đoàn kết, tập trung cho lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái”.
Nói về công tác tổ chức các lễ hội tại địa phương, ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar khẳng định: Tất cả các lễ hội khi tổ chức phải được UBND xã, thị trấn ra quyết định thành lập Ban tổ chức. Các nội dung trong phần lễ và phần hội phải được chuẩn bị chu đáo, hài hòa, phù hợp với điều kiện và phong tục tập quán của địa phương. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự trong lễ hội được bảo đảm, các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động dịch vụ văn hóa trái quy định (nếu có) đều bị xử lý kịp thời. Các lễ hội tại địa phương bước đầu mang tính xã hội hóa, kinh phí tổ chức do người dân đóng góp và huy động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, huyện cũng có chủ trương phát triển các sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút, phục vụ du khách khi đến tham quan lễ hội...
Lễ hội truyền thống là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại, qua đó củng cố tình đoàn kết, lòng tự hào của người dân về nguồn cội của mình, tạo không gian giao lưu, cộng cảm, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống. Với xu hướng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa song hành với việc phát triển du lịch để tạo thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thì việc đưa lễ hội thành điểm đến thu hút du khách đang là một trong những hình thức được nhiều địa phương lựa chọn. Tuy nhiên, để các lễ hội không bị “biến tướng”, “pha loãng” các giá trị văn hóa truyền thống cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp và quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo tồn, gìn giữ của chính chủ thể văn hóa - cộng đồng các dân tộc.
Lan Anh
Nguồn: Báo Đắk Lắk