Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 24/04/2019 09:52
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/04/2019 09:52
Sau một thời gian kiên trì lập hồ sơ khoa học của Di tích và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đồng thời cũng là niềm động viên to lớn đối với cựu tù, thân nhân cựu tù cách mạng từng bị giam giữ nơi đây.
Từ Di tích cấp quốc gia...
Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm trên địa bàn phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tên gọi “Nhà đày Buôn Ma Thuột” một mặt xuất phát từ tên gọi mà thực dân Pháp đặt cho nó (Pénitencier de Buôn Ma Thuột) khi chúng đến xâm lược và cai trị Việt Nam; mặt khác quan trọng hơn là căn cứ vào quy định phân biệt tính chất, loại hình các nhà giam của thực dân Pháp ở Đông Dương: Nhà tù (Prison Provinciale) dùng để giam giữ những tù nhân mới bị bắt đang xét hỏi; Nhà đày (Pénitencier) là nơi giam cầm, đày ải những tù nhân sau khi thành án nặng (chung thân hoặc từ 5 năm trở lên), bị coi là những tù nhân nguy hiểm. Điểm khác biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột so với các nhà giam khác là tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính họ. Nhà đày bao gồm 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, bên cạnh cổng chính cửa hướng ra phía Nam là một dãy xà lim giam giữ tù chính trị mà thực dân Pháp cho rằng nguy hiểm. Ngoài ra còn có một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị như nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn, nhà quản ngục, bệnh xá... Bao quanh là bốn bức tường cao, có dây thép gai ở trên. Đây là kiểu thiết kế theo mô tuýp cổ điển của thực dân Pháp. Cách bố trí Nhà đày khép kín vừa tận dụng được mặt bằng, vừa kiểm soát được tù nhân một cách hiệu quả nhất. Đến năm 1954, đế quốc Mỹ đã sử dụng lại Nhà đày Buôn Ma Thuột và xây thêm một bức tường ngăn đôi, một bên làm Trung tâm cải huấn và một bên làm Kho quân nhu, đồng thời mở hai cổng mới ở phía Tây của Nhà tù, xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ...phục vụ cho các mục đích giam giữ và tra khảo.
Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của chế độ thực dân, đế quốc đối với tù chính trị. Trong khuôn khổ của Nhà đày, một môi trường đấu tranh mới, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, đày ải tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã bằng ý chí, năng lực, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết, tích cực đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo, tranh thủ thời gian học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ về nhiều mặt, để có cơ hội thuận lợi họ tìm cách thoát khỏi Nhà tù, hoặc buộc địch trả tự do, trở về với Đảng, với Nhân dân tiếp tục cống hiến trong công cuộc giải phóng dân tộc. Trong số gần 4.000 lượt người tù chuyển đến Nhà tù Buôn Ma Thuột, có nhiều chiến sỹ cộng sản đã được giáo dục, rèn luyện và trở thành những người lãnh đạo cốt cán của Đảng và Chính phủ như: các đồng chí Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Anh, Trần Hữu Dực, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn Khuê, Nhà thơ Tố Hữu… Vì thế, thực dân Pháp phải thừa nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là “Một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”. Cũng tại nơi đây, ta đã bí mật hình thành một tổ chức, với tên gọi “Lực lượng trung kiên”, hoạt động như một Chi bộ cộng sản và giác ngộ được những người con ưu tú cho Đảng, cho quân đội như đồng chí Y Blốk Êban, Y Bih Alêo, Y Som Êban, Y Bun Knong, Y Jonh (Minh Sơn)... Ngoài ra, còn rất nhiều chiến sĩ cộng sản tiêu biểu như các đồng chí: Hồng Chương, Bùi San, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Phụng Tân, Huỳnh Thanh và nhiều người con ưu tú khác của mọi miền Tổ quốc. Nhà đày Buôn Ma Thuột với các cuộc chiến đấu không mệt mỏi của các đảng viên cộng sản, thực tế đã trở thành đầu mối trung tâm của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk.
Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10/7/1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được Bộ Văn hoá -Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Thời gian qua, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã vinh dự được đón tiếp hàng chục nghìn lượt cựu tù, thân nhân cựu tù, Nhân dân và du khách đến tham quan.
...đến trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
Bên cạnh các giá trị về lịch sử, văn hóa, cộng với cơ sở vật chất và hệ thống tư liệu, hiện vật đang được lưu trữ tại nơi đây, Nhà đày Buôn Ma Thuột còn mang nhiều giá trị khoa học. Qua tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các lão thành cách mạng tỉnh Đắk Lắk cũng như du khách, đều mong muốn di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được đầu tư tôn tạo, sửa chữa toàn diện, xây dựng mới một số hạng mục và mong muốn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt để di tích trở thành điểm nhấn văn hóa, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Thực hiện văn bản số 3668/BVHTTDL-DSVH ngày 16/8/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chuẩn bị hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột để trình cấp có thẩm quyền xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo khoa học để hoàn thiện hồ sơ di tích, mặc dù thời gian gấp rút nhưng tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, các nhà khoa học (PGS.TS Phạm Mai Hùng, GS.TS Lê Hồng Lý.v.v), các nhà quản lý, các cựu tù, thân nhân cựu tù, các nhà chuyên môn về di tích, các cấp, các ngành trong tỉnh.
Sau một thời gian tổ chức Hội thảo khoa học và hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, ngày 7/12/2018, Hội đồng Di sản Quốc gia đã thống nhất bỏ phiếu thông qua. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt.
Phát huy giá trị Di tích
Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã hai lần được Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo (1992, 2006) nhưng do nhiều yếu tố tác động, các hạng mục của Di tích đến nay đã xuống cấp trầm trọng: tường nấm mốc, rạn nứt, bong tróc, có đoạn đã bị sụp đổ, mái thấm dột, cột gỗ bị mối mọt, mục rỗng. Việc lấy tư liệu từ các nhân chứng lịch sử còn gặp khó khăn, đến nay nhiều người đã mất do tuổi cao, sức yếu; các tài liệu, hiện vật quý qua thời gian đã hư hỏng, thất lạc nên việc nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tái hiện, phục dựng còn gặp nhiều trở ngại. Điều đáng quan tâm, Di tích hiện đang bị các hộ dân sống liền kề lấn chiếm, xâm hại các khu vực bảo vệ Di tích nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cách bài trí, sắp xếp tài liệu, hiện vật, kỷ vật, tái hiện không gian, thời gian theo dòng lịch sử chưa khoa học, thiếu sơ đồ chỉ dẫn vào các khu vực của di tích, chưa có bảng, biển giới thiệu tại các lao, nhiều lao chưa có manơcan tái hiện, chưa có hiệu ứng âm thanh. Đội ngũ làm hướng dẫn viên còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng thực tế, phương pháp thuyết minh chưa hấp dẫn và lôi cuốn khách tham quan.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương, xin gợi mở một số nội dung mang tính chất trao đổi:
Một là, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa cần sớm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành “Đề án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột” trong thời gian sớm nhất. Khi Đề án được phê duyệt, các cơ quan liên quan cần xây dựng phương án đền bù, di dời, giải tỏa các hộ dân ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, tránh trường hợp các hộ dân sống lấn chiếm, xâm hại di tích, đảm bảo các điều kiện của Di tích quốc gia đặc biệt.
Hai là, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, có thể áp dụng quan điểm “Bảo tàng trong di tích”, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di tích, bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích, không được “làm mới” hay làm biến dạng tổng thể của di tích. Đối với các chi tiết bị mất, chỉ khôi phục dựa trên cứ liệu khoa học. Hạn chế tối đa việc thay cấu kiện làm ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh. Có biện pháp kỹ thuật chống sự biến dạng, xuống cấp, đảm bảo độ bền vững của các hạng mục.
Ba là, trong phục dựng, trưng bày cần tái hiện, mô phỏng gắn với hiệu ứng âm thanh; gắn bia, biển ở các phòng biệt giam để ghi lại các sự kiện, các nhân vật. Cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác điều tra, sưu tầm, trưng bày các tài liệu, hiện vật, kỷ vật, văn bản, hồ sơ, lý lịch liên quan đến tù chính trị đã từng bị giam cầm tại Nhà đày trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bổ sung cho di tích.
Bốn là, đội ngũ nhân viên làm công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên học tập các mô hình, kinh nghiệm thực tế của các di tích khác trong cả nước, trau dồi kiến thức về lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh để phục vụ công chúng tốt hơn.
Năm là, ngoài ngân sách, cần tích cực xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, mà trước mắt là các hạng mục căntin, quầy lưu niệm.v.v.
Ngày Xuân, rảo bước trong khuôn viên Di tích Nhà đày, thấy trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả. Nơi đây, sẽ mãi là một địa chỉ đỏ, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống anh hùng cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, về tinh thần bất khuất, kiên trung của những người yêu nước./.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban Quản lý Di tích tỉnh Đắk Lắk)
ĐẶNG GIA DUẨN