Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Ngày đăng: 25/04/2019 10:22
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/04/2019 10:22
Sáng 25/4, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Dự lễ đón nhận có các đồng chí lãnh đạo Cục Di sản (Bộ VHTTDL); cựu tù và thân nhân cựu tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong tinh; các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà chuyên môn cùng đông đảo học sinh, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn.
Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm trên địa bàn phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, là nơi giam giữ và đọa đày hàng ngàn chiến sĩ cách mạng yêu nước. Tại đây, chúng thi hành những chính sách rất dã man, tàn bạo với nhiều thủ đoạn xảo quyệt và độc ác dành cho những tù nhân yêu nước; từ việc xây dựng nhà giam kiên cố, đến bóc lột sức lao động, cho ăn uống kham khổ dẫn đến suy kiệt sức khỏe mà chết.
Nhà đày bao gồm 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, bên cạnh cổng chính cửa hướng ra phía Nam là một dãy xà lim giam giữ tù chính trị mà thực dân Pháp cho rằng nguy hiểm. Ngoài ra còn có một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị như nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn, nhà quản ngục, bệnh xá... Bao quanh là bốn bức tường cao, có dây thép gai ở trên. Đây là kiểu thiết kế theo mô tuýp cổ điển của thực dân Pháp. Cách bố trí Nhà đày khép kín vừa tận dụng được mặt bằng, vừa kiểm soát được tù nhân một cách hiệu quả nhất. Đến năm 1954, đế quốc Mỹ đã sử dụng lại Nhà đày Buôn Ma Thuột và xây thêm một bức tường ngăn đôi, một bên làm Trung tâm cải huấn và một bên làm Kho quân nhu, đồng thời mở hai cổng mới ở phía Tây của Nhà tù, xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ...phục vụ cho các mục đích giam giữ và tra khảo.
Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của chế độ thực dân, đế quốc đối với tù chính trị. Trong khuôn khổ của Nhà đày, một môi trường đấu tranh mới, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, đày ải tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã bằng ý chí, năng lực, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết, tích cực đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo, tranh thủ thời gian học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ về nhiều mặt, để có cơ hội thuận lợi họ tìm cách thoát khỏi Nhà tù, hoặc buộc địch trả tự do, trở về với Đảng, với Nhân dân tiếp tục cống hiến trong công cuộc giải phóng dân tộc. Trong số gần 4.000 lượt người tù chuyển đến Nhà tù Buôn Ma Thuột, có nhiều chiến sỹ cộng sản đã được giáo dục, rèn luyện và trở thành những người lãnh đạo cốt cán của Đảng và Chính phủ như: các đồng chí Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Anh, Trần Hữu Dực, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn Khuê, Nhà thơ Tố Hữu… Vì thế, thực dân Pháp phải thừa nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là “Một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”. Cũng tại nơi đây, ta đã bí mật hình thành một tổ chức, với tên gọi “Lực lượng trung kiên”, hoạt động như một Chi bộ cộng sản và giác ngộ được những người con ưu tú cho Đảng, cho quân đội như đồng chí Y Blốk Êban, Y Bih Alêo, Y Som Êban, Y Bun Knong, Y Jonh (Minh Sơn)... Ngoài ra, còn rất nhiều chiến sĩ cộng sản tiêu biểu như các đồng chí: Hồng Chương, Bùi San, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Phụng Tân, Huỳnh Thanh và nhiều người con ưu tú khác của mọi miền Tổ quốc. Nhà đày Buôn Ma Thuột với các cuộc chiến đấu không mệt mỏi của các đảng viên cộng sản, thực tế đã trở thành đầu mối trung tâm của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk.
Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10/7/1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được Bộ Văn hoá -Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Bên cạnh các giá trị về lịch sử, văn hóa, cộng với cơ sở vật chất và hệ thống tư liệu, hiện vật đang được lưu trữ tại nơi đây, Nhà đày Buôn Ma Thuột còn mang nhiều giá trị khoa học. Qua tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các lão thành cách mạng tỉnh Đắk Lắk cũng như du khách, đều mong muốn di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được đầu tư tôn tạo, sửa chữa toàn diện, xây dựng mới một số hạng mục và mong muốn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt để di tích trở thành điểm nhấn văn hóa, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk..
Sau một thời gian lập hồ sơ khoa học của Di tích và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đồng thời cũng là niềm động viên to lớn đối với cựu tù, thân nhân cựu tù cách mạng từng bị giam giữ nơi đây.
Ama Phong