Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019: Tôn vinh giá trị hòa bình, nhân văn
Ngày đăng: 11/05/2019 14:22
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/05/2019 14:22
Với sự tham dự của khoảng 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Đại lễ Vesak LHQ 2019 là một sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế của LHQ nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển ngoại giao, văn hóa, du lịch Việt Nam. Đại lễ là cơ hội gặp gỡ và giao lưu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, truyền bá thông điệp của Đức Phật cho nhân loại về hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển.
Với chủ đề xuyên suốt là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững, các đại biểu bàn sâu về vấn đề Phật giáo gắn liền với đời sống như: “Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp”; “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục”; "Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0" và “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm”. Trong đó, phần nội dung cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm có những chia sẻ từ các chức sắc, nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước hướng tới sự phát triển giữa các cộng đồng dân cư…
Qua các chủ đề bàn thảo, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà LHQ hướng tới. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ đề năm 2019 được chọn dựa theo chủ đề của LHQ, phù hợp với các nước tham dự và trong thời kỳ hội nhập tình hình chính trị, kinh tế cũng như những điều phức tạp đang diễn ra trên thế giới.
Trong khuôn khổ Vesak năm 2019 còn có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan), gồm: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới…
Vesak 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế; khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đồng thời, Đại lễ nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế; phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Nguồn gốc của Đại lễ Vesak LHQ Từ xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như: Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia... Vào ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng LHQ, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức công nhận: Phật giáo là tôn giáo điển hình và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Giáo chủ của Phật giáo là nhân vật tiêu biểu, bởi phương châm “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển” của LHQ ngày nay trùng với tư tưởng của Đức Phật từ xưa. Đại hội đồng LHQ đã nghị quyết: LHQ sẽ tổ chức Đại lễ Vesak vào thời gian tương đương với ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch hằng năm. Đại lễ Vesak được tổ chức tại Trụ sở LHQ ở thành phố New York, Hoa Kỳ và các trung tâm LHQ ở các khu vực trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Các nước có Phật giáo có thể đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ tại nước mình, theo cam kết và thực hiện các quy định của LHQ. Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ đã được tổ chức tại Trụ sở LHQ, New York, với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia. Từ năm 2004 đến nay, Đại lễ Vesak được các nước có Phật giáo đăng cai tổ chức 12 lần, trong số đó 9 lần tổ chức tại Thái Lan; 1 lần tổ chức tại Sri Lanka vào năm 2016 và 2 lần tổ chức tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014. |
Hồng Hà (tổng hợp)
Nguồn: Báo Đắk Lắk