Thảo luận dự thảo Luật Thư viện: Đề nghị bổ sung chức năng giải trí cho thư viện
Ngày đăng: 27/05/2019 08:08
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/05/2019 08:08
Đây là một trong những đề nghị đáng lưu ý trong buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Thư viện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 23/5. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự buổi thảo luận tại tổ.
Khôi phục lại văn hóa đọc
Thảo luận tại tổ, ĐBQH Lưu Thành Công, đoàn Vĩnh Long cho biết, phần khái niệm của dự thảo luật có khái niệm về thư viện ở đó có chức năng giải trí nhưng sang tới Điều 3- quy định về chức năng lại không có chức năng giải trí.
"Mới đây tôi cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đi khảo sát tại các thư viện lớn và các thư viện trung tâm cho thấy tại đây các hoạt động giải trí tốt. Đó là giới thiệu tác giả tác phẩm, bình luận tác phẩm, chiếu phim… Đây đều là các hoạt động mang tính giải trí và nâng cao nhận thức cho cộng đồng rất nhiều, đề nghị nghiên cứu soạn thảo thêm bổ sung chức năng giải trí cho thư viện"- ĐB Lưu Thành Công cho hay.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đông người tìm tới thư viện, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng ông Nguyễn Tạo đề xuất, nên thành lập các thư viện cộng đồng, kêu gọi xã hội hóa để phục vụ người dân như tại bệnh viện. Tùy theo quy mô, mức độ, mỗi bệnh viện tại Việt Nam có thể xã hội hóa xây dựng phòng đọc phục vụ cho người dân. Hoặc xây dựng các thư viện chuyên ngành đều cần thúc đẩy xã hội hóa tại những nơi có đông dân cư.
Thống nhất cao với tờ trình ban hành Luật Thư viện, ĐB Lưu Thành Công cho rằng, mục đích xây dựng thiết chế văn hóa này rất cần thiết, củng cố sắp xếp lại hệ thống thư viện.
Thực tế hiện nay không có người làm thư viện, hiệu quả hoạt động của nhiều thư viện còn chưa cao, do vậy theo ĐB Lưu Thành Công, lần này chúng ta cần sắp xếp lại hoạt động của hệ thống thư viện, khôi phục lại văn hóa đọc mà hiện nay đang có chiều hướng mai một.
"Phải xây dựng hệ thống thư viện nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, làm giàu thêm giá trị của văn hóa, lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tôi rất thống nhất yêu cầu của việc xây dựng luật này"- ĐB Lưu Thành Công nêu.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, luật phải xây dựng theo hướng mở, thông thoáng, bởi Luật Thư viện tác động không lớn nhưng khi có luật thì tất cả người dân đều được hưởng lợi từ việc này.
ĐB Lưu Thành Công cũng đề nghị, cần quy định trách nhiệm nhà nước phải dành nguồn kinh phí xây dựng hệ thống thư viện phù hợp với hiện nay, quy trách nhiệm quản lý thật tốt để phát huy hiệu quả hệ thống thư viện. Đồng thời có các chế định thu hút xã hội hóa cho hoạt động thư viện.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đóng góp, dự thảo luật cần nêu rõ khái niệm thư viện tích hợp, thư viện số để tránh trường hợp hiểu không rõ ràng.
Ngoài ra, để thu hút, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia đọc sách, tra cứu tài liệu, ĐB Nguyễn Thị Phúc đề nghị không thu phí với đối tượng này.
Xếp loại thư viện: Cần cân nhắc
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội , một số đại biểu nhất trí với việc xếp hạng thư viện vì cho rằng đây là cơ sở để Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp; đồng thời đề nghị giao việc xếp hạng cho tổ chức đánh giá độc lập hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, đa số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định xếp hạng thư viện trong dự thảo Luật.
Theo Đại biểu Lưu Thành Công, đoàn Vĩnh Long, cần nghiên cứu Điều 40, 41, 42, 43, 44, bởi xếp hạng như thế nào đi nữa, cơ sở tiện ích nhiều mà thư viện không có người đọc thì việc xếp hạng cũng trở nên vô nghĩa.
Các đại biểu khác góp ý, dự thảo Luật quy định về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng chưa cụ thể nên khó phù hợp với đặc thù của các loại thư viện và khó đảm bảo khách quan, chính xác khi thực hiện. Trên thực tế, thư viện trường học đã có phân hạng theo tiêu chuẩn, tiêu chí riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thêm vào đó, quan điểm xây dựng Luật này là Nhà nước đầu tư cho thư viện theo hướng tập trung trọng điểm và thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa nên mục đích xếp hạng thư viện nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện là chưa thật hợp lý.
Số lượng thư viện rất lớn trong khi nhân lực quản lý ngành mỏng, khó đủ điều kiện để thực hiện xếp hạng, xếp hạng lại thư viện một cách đồng bộ.
Và các ý kiến chia sẻ, thẩm quyền xếp hạng và thu hồi xếp hạng đều giao cơ quan chủ quản là chưa hợp lý, khó khả thi và dễ dẫn đến triệt tiêu tính tự chủ của thư viện, phát sinh cơ chế "xin - cho" trong quản lý thư viện, không phù hợp xu thế hiện nay./.
Nguồn: Bộ VHTTDL