Tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889- 5/6/2019)
Ngày đăng: 04/06/2019 07:58
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/06/2019 07:58
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu ứng Hòe) sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Thịnh một nhà nho yêu nước, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Kim, quê gốc ở Hà Đông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4 - 5 tuổi, tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh - bậc khởi đầu của Nho học; rồi sau đó, lần lượt đạt qua các bậc “Nhất trường”, “Nhị trường” và “Tam trường”. Lớn lên giữa lúc đất nước đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhiều phong trào đấu tranh của Nhân dân ta trên khắp cả nước như: Phong trào Duy Tân (1906-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo; vụ “Hà Thành đầu độc” (1908),.. đã ảnh hưởng đến tình cảm và ý chí của Nguyễn Văn Tố. Năm 16 tuổi (1905), Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi (1906), Nguyễn Văn Tố được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến nổi bật của Cụ Nguyễn Văn Tố đối với dân tộc và cách mạng Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành Hướng dẫn số 87-HD/BTGTU về việc tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889- 5/6/2019).
Theo đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương Cụ Nguyễn Văn Tố và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu ra sức học tập, cống hiến sức lực, trí tụê, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nội dung tuyên truyền gồm: (1) Tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, với Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung tuyên truyền, làm rõ những cống hiến nổi bật của Cụ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn (lịch sử, văn học và văn hóa...), đặc biệt là những công lao, cống hiến to lớn của Cụ trên cương vị là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội và Bộ trưởng không bộ. (2) Tuyên truyền, khẳng định những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố, nhất là lòng nhiệt thành cách mạng, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến hết mình vì nước, vì dân. (3) Tuyên truyền phản ánh các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố tại thành phố Hà Nội và trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giao các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện Hướng dẫn theo quy định. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng Văn hóa Thông tin, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, tổ chức cổ động trực quan trên các tuyến đường được phân cấp quản lý.
Khẩu hiệu tuyên truyền:
- Nhiệt liệt chào mừng 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố (05/6/1889 -05/6/2019)!
- Cụ Nguyễn Văn Tố - Người cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam!
Nhị Bình