Hội thảo về bản thảo cuốn sách "Lịch sử khu căn cứ cách mạng phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965-1975"
Ngày đăng: 16/08/2019 09:13
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/08/2019 09:13
Chiều 15-8, Thường trực Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ vào nội dung bản thảo cuốn sách “Lịch sử khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975”. Đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh, dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng Khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk vẫn mãi là “địa chỉ đỏ” quan trọng, chứa đựng trong đó truyền thống anh dũng, bất khuất, kiên cường của nhân dân.
Để hoàn thiện nội dung cuốn sách “Lịch sử khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975”, ghi lại một trong những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng chí Phạm Minh Tấn đề nghị các đại biểu góp ý vào bố cục, các sự kiện được trình bày trong bản thảo, những đóng góp của đồng bào khu căn cứ, giai đoạn hiện nay cần phải làm gì để phát huy, gìn giữ giá trị lịch sử của Khu căn cứ kháng chiến phía Nam của tỉnh.
Bản thảo cuốn sách “Lịch sử khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975” đề cập đến khu căn cứ kháng chiến của tỉnh thuộc địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao – huyện Krông Bông ngày nay.
Nằm dựa vào sườn núi Chư Yang Sin, từ năm 1965 đến 1975, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân ở Khu căn cứ phía Nam đã anh dũng, kiên cường, xây dựng, bảo vệ căn cứ kháng chiến; cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, góp phần làm nên chiến lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Đặc biệt, đây là nơi diễn ra 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh: lần thứ III tháng 7-1966, lần thứ IV tháng 4-1969, lần thứ V tháng 10-1970.
Bản thảo cuốn sách “Lịch sử khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975” gồm 3 chương. Chương I nói về vùng đất, con người và truyền thống lịch sử của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; chương II nói về quá trình hình thành Khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1954 -1965; chương III đề cập đến việc xây dựng, bảo vệ vùng căn cứ, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975).
Góp ý vào nội dung bản thảo cuốn sách “Lịch sử khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975”, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đề nghị Ban biên soạn thay đổi một số nội dung theo hướng giảm bớt các trích lục, lời dẫn nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, thay vào đó cần tập trung vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ; đồng thời làm nổi bật những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc khu căn cứ, đặc biệt là truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và kiên cường của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong muốn tỉnh tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo đời sống của người dân; xây dựng Khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr trở thành “địa chỉ đỏ” trong các hoạt động về nguồn gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất anh hùng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn nơi đây.
Hoàng Gia (Báo Đắk Lắk)