Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương không xếp hạng thư viện
Ngày đăng: 16/08/2019 09:18
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/08/2019 09:18
Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Thư viện.
Nhà nước sẽ đầu tư hai loại hình thư viện
Báo cáo thẩm tra, giải trình về Dự án Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, sau Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Thường trực Ủy ban đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về Dự án Luật này.
Cùng với đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng phối hợp với cơ quan soạn thảo Luật tổ chức Tọa đàm, Hội thảo để tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực này tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đã xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Thư viện đối với một số vấn đề như: Cơ chế đầu tư cho thư viện quốc gia, tỉnh; Xếp hạng thư viện; Quy định về Ngày đọc sách.
Cho ý kiến về các vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chúng ta phải xác định thư viện chính là kho lưu trữ quốc gia, của các tỉnh thành nên Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư đúng cách. Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành việc dùng ngân sách nhà nước để đầu tư cho hai loại hình thư viện này.
Đối với thư viện thuộc cấp huyện, xã, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên giao quyền tự chủ cho địa phương. Tùy tình hình và điều kiện thực tế, việc xây dựng thư viện cấp huyện, xã nên phân cấp cho địa phương tự quyết định.
Về vấn đề quy định ngày đọc sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đây là việc cần thiết. Trên thực tế, hằng năm chúng ta cũng đã tổ chức ngày hội sách nhằm duy trì, lan tỏa văn hóa đọc. Đồng thời, hoạt động này cũng nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể hiện quan điểm, chủ trương Nhà nước đầu tư hai loại hình thư viện Quốc gia, tỉnh vào Luật này.
Bỏ quy định xếp hạng thư viện
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thư viện đang đứng trước thời kỳ rất nhiều thách thức, thử thách. Ngày xưa thư viện chính là biểu trưng của văn hóa, khoa học. Mặc dù hiện nay vai trò không thay đổi nhưng mô hình, tổ chức và phương thức đang có sự biến chuyển rất nhiều.
Đối với vấn đề đầu tư cho hai loại hình thư viện, Phó Thủ tướng cho rằng có thể thêm cả các đối tượng thư viện ở các địa bàn như hải đảo và một số vùng đặc biệt khó khăn. Về vấn đề xếp hạng thư viện, Phó Thủ tướng mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để Ban soạn thảo có thể đưa nội dung này vào Luật.
Bàn về vấn đề xếp hạng thư viện, các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đều không đồng ý đưa nội dung này vào Luật Thư viện.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ Nhà nước đầu tư cho hai loại hình thư viện là quốc gia, tỉnh. Thư viện huyện, xã sẽ do tỉnh đầu tư, xây dựng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với chủ trương không xếp hạng thư viện. Về ngày văn hóa đọc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy ngày 21/4 hằng năm. "Đây là hoạt động nhằm khơi dậy lại hào khí, cốt cách, sự nhân văn của người Việt Nam, truyền tải những điều tốt đẹp" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa để Dự án Luật Thư viện khi đi vào thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả như mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Thế Công (Cổng TTĐT Chính phủ)