Đắk Lắk học tập kinh nghiệm tổ chức Lễ hội tại thành phố Đà Nẵng
Ngày đăng: 28/08/2019 17:14
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/08/2019 17:14
Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác đến thành phố Đà Nẵng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức Lễ hội. Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện Lãnh đạo và phòng chuyên môn các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ và Văn phòng UBND tỉnh. Nội dung của chuyến công tác nhằm nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về cách thức tổ chức Lễ hội; cách thức xã hội hóa tổ chức Lễ hội; quy trình tổ chức các Lễ hội lớn; cách thức mời và hỗ trợ các đoàn nước ngoài tham gia; công tác tổ chức kêu gọi vận động tài trợ, về cơ chế chính sách; công tác thông tin tuyên truyền, họp báo; công tác đối ngoại, lễ tân, hậu cần; công tác an ninh, trật tự...
Sau buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan, sở, ngành có liên quan tại thành phố Đà Nẵng cho thấy: Thành phố Đà Nẵng là trung tâm phát triển kinh tế của miền Trung và Tây Nguyên, có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng như về cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường học, khu dân cư, công trình công cộng... được quy hoạch đồng bộ, hoàn chỉnh. Nơi đây người dân sống hiền hòa, an ninh trật tự xã hội, y tế giáo dục được quan tâm đúng mức... Song song đó là sự đầu tư của nhiều tập đoàn có tầm cỡ, điều này đã tạo nên thế mạnh trong việc tổ chức Lễ hội. Việc giao cho các doanh nghiệp lớn đứng ra tổ chức Lễ hội hay việc kêu gọi xã hội hóa tài trợ cho Lễ hội cũng trở nên dễ dàng hơn. Từ đó việc hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các Lễ hội cũng rất thuận lợi, đây chính là lợi thế góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Qua đó, Đoàn công tác của tỉnh đã có thêm những kinh nghiệm về công tác tổ chức Lễ hội như: Thời điểm tổ chức lễ hội cần tránh tổ chức trùng với các sự kiện lớn ở địa phương khác; cần chú ý yếu tố thời tiết; nên mời những cán bộ có kinh nghiệm, những người được đào tạo bài bản về tổ chức Lễ hội của thành phố Đà Nẵng để tư vấn cho tỉnh; đối với công tác lễ tân, nên gửi Thư mời và xác nhận thông tin trước, lưu ý đại biểu sẽ gửi Giấy mời tại địa chỉ, khách sạn khi đại biểu chính thức đến tham dự, để hạn chế tình trạng đại biểu mời chính thức không tham dự sẽ chuyển giấy mời cho người khác, gây khó khăn cho việc sắp xếp vị trí ngồi, bố trí phương tiện đưa đón tập trung để thuận lợi điều tiết giao thông; cần thành lập Quỹ vận động xã hội hóa để tổ chức sự kiện cho tỉnh, huy động các doanh nghiệp đóng góp thông qua một doanh nghiệp làm đầu mối; chú trọng phần hội trong tổ chức Lễ hội để dễ thu hút tài trợ cũng như du khách; cần quan tâm, chú ý quyền lợi của doanh nghiệp; phải làm việc với cơ quan thuế để có hướng hỗ trợ về vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Sau chuyến công tác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chức năng là cơ quan tham mưu chính cho tỉnh trong tổ chức Lễ hội đã có những đề xuất đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như: Cần mở khóa đào tạo, tập huấn về công tác tổ chức lễ hội, mời chuyên gia, người có kinh nghiệm, được đào tạo ở nước ngoài để hỗ trợ; cần linh động cấp trước kinh phí trong các khoảng thời gian hợp lý để các Sở, ngành có liên quan chủ động trong công tác tham mưu, tổ chức các hoạt động liên quan đến lễ hội; thành lập Hội đồng nghệ thuật của tỉnh để thẩm định các nội dung liên quan đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trên địa bàn tỉnh theo quy định; xem xét, thống nhất giao cho doanh nghiệp có năng lực, uy tín và kinh nghiệm để thực hiện những nội dung lớn của Lễ hội thông qua hình thức xét chọn hoặc đấu thầu như: Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, Hội chợ chuyên ngành…
Võ Phượng