Độc đáo "bản hòa tấu" bảo vệ lúa rẫy của đồng bào M'nông
Ngày đăng: 27/10/2019 22:02
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2019 22:02
Những đám lúa rẫy của đồng bào M’nông ở buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đã bắt đầu chín vàng rực trên những ngọn đồi cao. Trên những nương rẫy đẹp như tranh ấy đang được phụ họa thêm bằng “bản hợp xướng” âm thanh độc đáo, réo rắt phát ra từ công cụ để bảo vệ mùa màng mà đồng bào nơi đây tạo ra.
Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi theo chân anh Y Chông Sruk ở buôn Jiê Yúk lên thăm rẫy lúa của gia đình anh. Rẫy nằm cách nhà hơn 5 km nhưng chỉ 3 km đầu di chuyển được bằng xe máy còn sau đó phải đi bộ vì nước lớn, xe máy không qua được. Băng qua con đường mòn với 4 dãy đồi, 3 con suối chúng tôi mới đến được.
Đứng dưới chân đồi, theo hướng chỉ tay của anh Y Chông chúng tôi thấy được mảnh rẫy vàng rực, ở giữa là một chiếc chòi gỗ nhỏ, rải rác khắp rẫy là chằng chịt những sợi dây vắt qua những chiếc cọc bằng cây le; những chiếc áo quần cũ được treo lên cọc tre đang bay phấp phới. Dù còn cách mấy trăm mét mới đến rẫy nhưng vẫn nghe rõ mồn một âm thanh phát ra từ rẫy lúa của Y Chông.
Tiếng của ống lồ ô va đập với thân cây gỗ lộp bộp, đều đặn xen lẫn vào đó là tiếng kèn kẹt, nhói tai được tạo ra bởi sợi dây thép cọ xát với vỏ lon kim loại. Đó như màn “văn nghệ chào hỏi” không mấy dễ chịu mà người trồng lúa ở đây tạo ra đối với loài chim, thú có ý định đến kiếm ăn, phá hoại rẫy lúa của họ. Nhờ thế mà cả rẫy lúa rộng khoảng 1 ha của anh Y Chông trĩu bông không bị chim, thú phá hoại.
Anh Y Chông cho biết, cứ vào khoảng tháng 9 hằng năm là lúa rẫy trổ bông, chim, thú trong rừng thường kéo ra để kiếm ăn, phá hoại rẫy lúa nên từ bao đời nay cứ đến thời gian này đồng bào nơi đây lại chế tạo ra những công cụ để tạo ra âm thanh khiến các loài chim, thú gây hại không dám đến. “Đây là cách bảo vệ mùa màng từ xa xưa của ông cha để lại, đơn giản nhưng rất hiệu quả”, anh Y Chông khẳng định.
Anh Y Chông Sruk, buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk)
|
Anh Y Chông đưa chúng tôi đi giới thiệu về hệ thống đuổi chim, thú mà anh mất hơn hai ngày mới làm xong. Dừng lại bên một con suối nằm dưới chân của rẫy lúa, anh Y Chông xắn quần lội xuống kiểm tra nơi đặt “trái tim” của hệ thống đuổi chim, thú đang đều đặn kéo dây, tạo ra âm thanh. Đó là một chiếc máng được làm bằng vỏ của một thân cây rừng dùng để dẫn nguồn nước chảy qua. Nước từ đây sẽ đổ xuống một chiếc gầu cũng được làm từ vỏ cây được giữ bằng hai sợi dây gắn nối vào hệ thống dây chạy lên trên rẫy lúa.
Khi nước từ cái máng đổ vào chiếc gầu sẽ tạo ra lực đẩy chiếc gầu ra, đồng thời kéo cả hệ thống dây trên rẫy chuyển động giúp các công cụ khác tạo ra âm thanh. Trong đó, những “chiếc chuông” được làm từ những ống cây lồ ô được anh ghép, gắn vào hệ thống dây dẫn nhờ lực nước tạo ra chuyển động va đập, tạo ra âm thanh.
Theo anh Y Chông đây là cách đuổi chim từ thời xa xưa cha ông truyền lại. Chế tạo ra chúng không khó nhưng người làm phải biết cách căng dây, sao cho không dây không chùng quá cũng không căng quá để có thể kéo chuông đều đặn và lâu bền. Cùng với cách làm truyền thống này, người làm lúa rẫy hiện nay cũng sáng tạo thêm những vật dụng mới để tạo thêm âm thanh, gia tăng hiệu quả của việc đuổi các loài chim, thú phá hoại mùa màng. Họ tận dụng những chiếc vỏ lon đã qua sử dụng, đục lỗ rồi xuyên sợi dây thép qua vỏ lon. Nối sợ dây thép với dây dẫn từ suối lên, cố định chiếc lon vào một cọc tre, khi dây chuyển động sẽ kéo sợi thép cứa vào ống lon tạo nên những âm thanh chói tai. Cùng với đó, rải rác khắp rẫy lúa anh Y Chông còn dựng cọc tre, treo lên đó những chiếc áo quần cũ để khi gió lên chúng sẽ bay, khiến các loài vật phá hoại trông thấy sẽ sợ hãi.
Không chỉ riêng khu vực rẫy của nhà anh Y Chông, nhiều gia đình khác trồng lúa rẫy ở đây cũng đuổi chim, thú bằng hình thức này. “Để làm ra hạt lúa rẫy rất vất vả vì đường sá đi lại khó khăn, địa hình đồi dốc, thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài khoảng 6 tháng. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, trong khi đó nương rẫy lại gần những cánh rừng tự nhiên nên các loài động vật gây hại rất nhiều nên bảo vệ mùa màng theo cách này là điều không thể thiếu để có được những vụ lúa đạt năng suất”, chị H’Srông Cil, một người dân làm lúa rẫy gần đó cho biết thêm.
Bảo Ngọc