Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa
Ngày đăng: 18/11/2019 20:41
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/11/2019 20:41
Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa đa sắc màu của các dân tộc thiểu số, TP. Buôn Ma Thuột đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng với nhiều triển vọng...
Ông Y Pun Niê, Trưởng buôn Akô Dhông cho biết, buôn hiện có 27 ngôi nhà dài, 4 dàn chiêng Knăh. Người dân trong buôn vẫn còn gìn giữ nhiều điệu xoang cổ của dân tộc Êđê, nghề dệt thổ cẩm truyền thống... Trước khi chính quyền thành phố chọn làm điểm du lịch văn hóa cộng đồng đã có hàng chục hộ trong buôn đứng ra tổ chức hoạt động du lịch văn hóa – sinh thái, thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.
Việc tự bắt tay vào làm du lịch cộng đồng cho thấy người dân ngày một nhanh nhạy phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để dựa vào đó phát triển kinh tế. Từ ngôi nhà dài truyền thống của gia đình, chị H’Len Niê đã biến tấu để trở thành một không gian du lịch thi vị và độc đáo. Quán cà phê Arul không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách mà còn là lựa chọn cho những người dân Buôn Ma Thuột thích không gian yên tĩnh và yêu mến văn hóa Êđê. Trong không gian cà phê của Arul, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa thổ cẩm, rượu cần, hàng thủ công mỹ nghệ… không chỉ qua những sản phẩm được trưng bày mà mỗi tiếp viên của quán đều có thể là hướng dẫn viên du lịch. Bởi họ đều là những chàng trai, cô gái của buôn làng nên rất am tường về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong những năm qua chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn. Cụ thể, tháng 9-2016, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Nghị quyết số 03 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thành phố giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Cũng theo ông Võ Tiến Dũng, sau 3 năm thực hiện, bước đầu đạt được kết quả nhất định, hoàn thành được 9/10 chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020 so với Nghị quyết đề ra như: hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa ở các buôn, cụm dân cư dân tộc thiểu số; tổ chức giảng dạy chữ viết Êđê; tu bổ, cải tạo và sửa chữa bến nước; công nhận 1 đội diễn tấu cồng chiêng tiêu biểu cấp thành phố; thành lập các đội diễn tấu chiêng, đội văn nghệ dân gian; mở 4 lớp trở lên truyền dạy đánh chiêng và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số; phục dựng các lễ hội nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số…
Có thể khẳng định, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn là hướng đi bền vững và hiệu quả trước xu thế phát triển du lịch hiện nay. Chính vì vậy, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn nhà dài truyền thống, khôi phục làng nghề, lễ hội truyền thống gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa – sinh thái là vấn đề mấu chốt để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm kết nối các “vệ tinh” du lịch của tỉnh cũng như các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.
Mở rộng các điểm du lịch cộng đồng Ông Võ Tiến Dũng cho biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh cũng như kế hoạch phát triển du lịch của TP. Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Tuôr (xã Hòa Phú) và Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) được chọn làm điểm du lịch cộng đồng. Hiện TP. Buôn Ma Thuột đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết và triển khai các bước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí tôn tạo nhà dài, phục dựng các lễ hội truyền thống tại đây để từng bước đưa các điểm du lịch cộng đồng này trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. |