Trân trọng gìn giữ vốn văn hóa truyền thống
Ngày đăng: 09/12/2019 07:16
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/12/2019 07:16
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động và nỗ lực của chính quyền các cấp, thời gian qua, cộng đồng dân cư các dân tộc ở xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Xã Ea Knuếc có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Êđê, Tày, Nùng, Mường, Xê Đăng) với trên 50% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó dân tộc Êđê chiếm trên 48%. Nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo điều kiện để văn hóa các dân tộc phát triển hài hòa trong sự phát triển chung, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con DTTS xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, lưu giữ bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình.
Những năm qua, địa phương phối hợp mở các lớp dạy dệt thổ cẩm, dạy đánh cồng chiêng, đàn tính hát then và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc; phục hồi các lễ hội truyền thống của dân tộc như: lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng mùa, lễ bỏ mả; tổ chức và duy trì hoạt động có hiệu quả nhiều loại hình câu lạc bộ, lồng ghép với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Qua đó, đã góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng những giá trị văn hóa mới.
Xây dựng nếp sống văn minh ở buôn làng được thể hiện qua những quy định cụ thể trong hương ước của buôn, gắn liền với đời sống người dân, như thực hiện nếp sống văn minh, loại bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang... Bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đồng bào DTTS ở các thôn, buôn trên địa bàn xã đã nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp; xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, đồng bào các DTTS trên địa bàn xã cũng luôn ý thức bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống. Điển hình như gia đình bà H’Diu Kriêng (buôn Briêng A). Căn nhà dài truyền thống lâu đời của gia đình bà như một bảo tàng văn hóa truyền thống thu nhỏ với rất nhiều hiện vật được lưu giữ qua năm tháng: 2 bộ chiêng quý, trống, ghế kpan, nồi đồng nấu xôi, nồi ăn trâu ăn bò vào các dịp lễ hội của buôn làng, những vật dụng gắn bó với đời sống người dân được đan lát từ tre. Đặc biệt là những ché rượu cần được đổi bằng những con trâu, bò. Bà kể rằng, trước đây, khi đưa những ché rượu này về nhà, gia đình phải làm lễ cúng và từ đó xem nó như là một thành viên trong gia đình.
“Đến các buôn làng ở xã Ea Knuếc hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất là cuộc sống của người dân không chỉ phát triển về kinh tế mà đồng bào các dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc, góp sức xây dựng buôn làng ”.
Bà H’Yer Knul, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc
|
Được biết, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ bà H’Diu có ý nghĩ sẽ bán đi những chiếc ghế kpan, ché đựng rượu, nồi đồng quý giá này. Đáng quý hơn nữa, dù những người biết đánh chiêng trong nhà đã mất nhưng bà vẫn lưu giữ 2 bộ chiêng mặc cho bao nhiêu người đến hỏi mua với giá lên đến cả trăm triệu đồng. Ngoài việc lưu giữ được những hiện vật này, bà H’Diu hiện vẫn thường xuyên nấu rượu cần để bán; thỉnh thoảng lại dệt những chiếc khăn, bộ áo quần cho con cháu như là một cách để bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông.
Bà H’Dơn Bkrông (buôn Kreh A) cũng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyến thống của dân tộc. Biết dệt thổ cẩm từ thời con gái, đến khi lập gia đình riêng, bà đã tự mình dệt lấy mọi vật dụng trong nhà từ chiếc khăn địu, cái chăn đến đồ mặc cho con. Đến nay, dù đã bước sang tuổi 61 bà H’Dơn vẫn dành thời gian để dệt những cái váy, áo, khố, khăn địu cho các cháu của mình. Không những thế, bà còn động viên người con gái thứ tư trong nhà tham gia vào lớp học nghề dệt thổ cẩm để bảo tồn nét văn hóa này.
Rất nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở xã Ea Knuếc luôn trân trọng gìn giữ vốn văn hóa truyền thống từ những việc làm cụ thể như vậy. Đến nay toàn xã có hơn 30 nghệ nhân biết diễn tấu chiêng, chỉnh chiêng, dạy đánh chiêng, chế tạo nhạc cụ,truyền dạy hát then, đàn tính; 7 đội cồng chiêng thanh niên, 3 đội cồng chiêng thiếu niên và 4 đội cồng chiêng là người cao tuổi vẫn thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn mỗi dịp lễ hội của buôn làng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Thúy Hồng (Báo Đắk Lắk)