Từ sáng sớm, các chái bếp của người dân trong buôn đã nổi lửa, khói nhẹ vương vít bay lên với mùi thơm của các món ăn truyền thống, lễ vật dâng lên các thần. Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày này là cơm lam, rượu cần và… thịt chuột.
Theo Bí thư Chi bộ buôn Joong Chá, để chuẩn bị cho ngày lễ trọng này, nhà nhà cùng nhau góp sức, có sự phân công cụ thể từ việc ủ rượu cần, cho đến chuẩn bị món ăn, tiết mục giao lưu văn hóa – văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… Năm nay, Tết cơm mới không to bằng các năm trước nhưng cả buôn cũng làm hơn 40 ché rượu, 4 con heo, chưa kể các sản vật kiếm được từ tự nhiên như: cá, chim, sóc, chuột…
Đặc biệt là thịt chuột – món ăn không thể thiếu và là một trong những lễ vật dâng cúng các thần được người dân chuẩn bị rất công phu. Nếu như trước đây chỉ cần bỏ chút thời gian là bắt được chuột đồng, thì nay người dân phải mất vài ngày mang cơm, mang gạo đi vào tận rừng sâu ở huyện Ea Súp để bắt.
“Trên địa bàn huyện Cư M’gar có 25 dân tộc cùng sinh sống tạo nên bức tranh văn hóa đa màu sắc, phong phú. Lễ mừng cơm mới của người Xê Đăng ở buôn Kon Hring là một trong những lễ hội lớn hằng năm, mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân buôn làng, là sợi dây gắn kết cộng đồng, trở thành điểm hẹn văn hóa, thu hút nhiều du khách tìm đến…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing.
|
Lý giải điều này, Bí thư Chi bộ buôn Joong Chá cho biết, vì chuột là loài vật phá hoại mùa màng nên từ xa xưa, người Xê Đăng bắt chuột đồng làm lễ cúng dâng thần linh để năm sau không bị con vật này phá hại mùa màng, dân làng sẽ có một vụ mùa bội thu. Giờ đây, để có được chuột “sạch”, người dân phải đi sâu vào rừng tìm bắt bởi những con chuột này chỉ ăn trái cây, rễ, củ tự nhiên… thịt sẽ thơm ngon, săn chắc.
Lân la từ nhà này sang nhà khác để thỏa lòng tìm hiểu về phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của người Xê Đăng, ở đâu chúng tôi cũng được tiếp đón trọng thị. Dù đang dở tay chuẩn bị các món ăn để đem ra nhà cộng đồng, bà H’Yoh vẫn nhiệt tình giải đáp thắc mắc cho những vị khách.
Trước kia, người Xê Đăng ở Kon Hring cư trú ở huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum), do chiến tranh loạn lạc, năm 1972 di cư đến xã Ea Yông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk); đến năm 1988 tìm đến vùng đất màu mỡ Kon Hring để lập buôn mới, xây dựng, phát triển cuộc sống. Ngày trước, Tết cơm mới của người Xê Đăng chỉ tổ chức trong từng gia đình nhỏ, các gia đình mời nhau, từ nhà này sang nhà khác, tổ chức kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 12. Từ năm 1994 đến nay, Tết cơm mới đã trở thành lễ hội lớn, tổ chức chung trong cả cộng đồng và chỉ tổ chức trong một ngày; nhà nhà đều chuẩn bị các món ăn, đem ra nhà cộng đồng để cùng nhau thưởng thức…
Khi cồng chiêng nổi lên bài đón khách, người người về tụ hội tại sân nhà cộng đồng để cùng dự lễ; già làng dâng lễ vật, đọc lời khấn, cảm tạ trời đất, mời thần linh, tổ tiên, ông bà về dự và cầu mong mùa màng năm sau được tốt tươi, bội thu: “Chúng con cầu mong sang năm đưa lúa đi gieo, lúa giống ra ngoài cũng mọc, lúa ở trong cũng lên, đẹp bời bời như cỏ tranh ngoài rừng, xanh như mía trong vườn người người đi qua muốn xin làm giống; cầu mong cuối năm mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, nhà nhà yên vui, cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa màng tươi tốt bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở, đất nước yên vui, nhân dân ấm no hạnh phúc, con cháu học hành nên người…”.
Sau lời cúng, cần rượu được vít cong, nhịp cồng chiêng rộn ràng, vòng xoang lại được nối. Từ người uy tín trong buôn, lớn tuổi cho đến ít tuổi, từ khách quý cho đến người dân… ai ai cũng được uống rượu cần, thưởng thức các món ăn và vui múa xoang, hát giao duyên, chơi các trò chơi dân gian, cùng chúc nhau một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.
Đẹp biết bao hình ảnh các chàng trai, cô gái nắm tay nhau mở rộng vòng xoang, hát giao duyên dưới trời xanh, nắng ấm Tây Nguyên; người người vui vẻ, cùng ăn, cùng uống trong không gian tưng bừng, nhộn nhịp; ai ai cũng rạng rỡ nụ cười, không có chỗ cho những lo toan, tính toán thường nhật. Đất trời giao hòa, lòng người giao hòa; dường như con người cũng trở nên khoáng đạt hơn, cảm nhận rõ hơn sự sâu thẳm về văn hóa, cốt cách nhân sinh và cùng sẻ chia, đồng điệu, hòa cảm với người dân, với xứ sở này.
Tạm biệt Kon Hring trong nắng chiều vàng, vẫn nhớ hoài lời ca da diết, đầy thi vị, nên thơ trong bài dân ca Tây Nguyên mà cả khách và chủ cùng hát trong lễ hội: “Ơ trăng ánh vàng, ơ chăng nắng vàng/ Nếu yêu em thì yêu cho trọn, đừng yêu chót lưỡi đầu môi/ Để em đem của đến trao, đem vòng đến hỏi anh theo em về…”.
Lan Anh