Người truyền tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Ngày đăng: 17/02/2020 21:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/02/2020 21:11
Đau đáu trước nỗi lo các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là âm thanh cồng chiêng dần bị mai một theo thời gian, già làng Hồ Ngọc Chịu (tên thường gọi là Pá Vinh, người Bru - Vân Kiều ở buôn Ta Cỡng, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tìm mọi cách gìn giữ, truyền tình yêu nguồn cội dân tộc cho thế hệ trẻ.
Già làng Pá Vinh quê gốc ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Ở quê ông hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, như gia đình ông có 4 chiếc. Cứ sáng sớm, cha ông lại mang chiêng ra đánh vài nhịp trước khi đi làm. Thứ âm thanh quen thuộc hằng ngày dần dà thấm vào người khiến ông tò mò rồi mê mẩn cồng chiêng lúc nào không hay. Năm lên tám tuổi, ông chơi thạo cồng chiêng, rồi theo cha đi biểu diễn cho tiệc mừng đám cưới hay lễ cúng sức khỏe, về nhà mới...
Năm 1972, lúc tròn 20 tuổi ông rời quê vào Đắk Lắk sinh sống, ở miền đất mới còn nhiều khó khăn thiếu thốn khiến tiếng chiêng bị đứt đoạn. Mãi gần chục năm sau, Pá Vinh mới có điều kiện nối lại mạch nguồn dân tộc bằng cách lập ra đội cồng chiêng.
Một đội chiêng hoàn chỉnh gồm 13 người, trong đó có một người đánh chiếc chiêng to, 2 người chơi trống, 2 người cầm Tà Ngắc (được làm từ cây tre, xung quanh treo thêm một số đồ vật để khi dậm cây xuống đất tạo ra âm thanh cộng hưởng), 4 nam đánh chiêng nhỏ và 4 nữ múa theo nhịp nhạc. Già Pá Vinh ưu tiên dạy cho những thanh niên trẻ tuổi. Khi những thành viên trong đội lập gia đình, bận chuyện làm ăn không tham gia được, ông tiếp tục đào tạo thế hệ kế cận. Nhờ vậy mà đội cồng chiêng do ông lập ra luôn duy trì và được chính quyền địa phương lựa chọn đi biễu diễn nhiều nơi, được nhiều người biết đến.
Theo già Pá Vinh, đánh cồng chiêng không khó, chỉ cần biết lắng nghe, say mê luyện tập là có thể chơi được. Tuy nhiên hiện nay đời sống thay đổi, nhiều thanh niên trong buôn bận làm ăn, ít quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa. “Những đứa mình dạy xong được một thời gian thì vào miền Nam làm ăn. Còn số ít ở nhà thì ngại, mình phải đến nhà thuyết phục, giải thích cho chúng hiểu cái hay, ý nghĩa của cồng chiêng. Khi chúng ý thức, yêu văn hóa dân tộc qua việc gìn giữ, truyền dạy, bảo tồn cồng chiêng mới mang lại hiệu quả, đi vào đời sống”, Pá Vinh chia sẻ.
Trước đây, việc dạy cồng chiêng do già làng Pá Vinh tự đứng ra tổ chức vào thời gian rảnh, về sau chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ kinh phí thuê nhạc cụ để mở lớp dạy bài bản tại nhà văn hóa cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay chính quyền đã hỗ trợ già Pá Vinh mở 3 lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở trong buôn và nhiều buôn lân cận như buôn La Ru, Tà Rầu, Tà Đỗ...
Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của già Pá Vinh đã không uổng phí. Nhiều người trong buôn, nhất là thế hệ trẻ biểu diễn cồng chiêng rất thuần thục. Em Ai Sút (buôn Tà Cỡng) cho hay, lúc đầu em ngại học đánh chiêng vì sợ bạn bè trêu chọc. Sau đó già làng Pá Vinh giải thích đây là bản sắc truyền thống của đồng bào mình nên không việc gì phải ngại. Nghe theo lời già dạy bảo, đến nay em đã đánh được nhiều bài chiêng và tự tin biểu diễn ở nơi đông người. Già Pá Vinh bộc bạch: "Sau này có về với tổ tiên, núi rừng cũng không phải hổ thẹn vì đã nỗ lực hết mình truyền lại bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau".
Thanh Thủy