Những người "giữ lửa" văn hóa truyền thống
Ngày đăng: 23/02/2020 17:00
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/02/2020 17:00
“Ching tình ching... ching tình ching...” - những chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng của bài chiêng đã dứt nhưng già Y Wang Hwing (ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) vẫn còn đắm chìm trong giai điệu ngân vang của nhịp chiêng cồng rộn rã. Với già Y Wang, tiếng chiêng, lời khan, điệu Kưứt từ lâu đã ngấm vào máu thịt, là những gì thân thuộc nhất trong cuộc sống thường ngày.
“Ngày trước, vào mỗi mùa lễ hội, hay sau một ngày lao động mệt nhọc, mọi người thường quây quần bên bếp lửa nhà sàn, bên ché rượu cần sắp nhạt để nghe kể khan, để thủ thỉ tâm tình, để hát ay ray, đối đáp, giao duyên. Một thuở lời khan, điệu hát, tiếng chiêng cồng gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng buôn làng như vậy mà hiện nay không còn mấy người biết nữa…”, giọng già Y Wang trĩu buồn.
Với những trăn trở ấy, hiện nay ở tuổi 70, nhưng già Y Wang đã có hơn 50 năm tham gia công tác gìn giữ, truyền dạy văn hóa dân gian của dân tộc mình. Với những cống hiến đầy tâm huyết, bền bỉ ấy, năm 2019, già Y Wang Hwing vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
“Được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bên cạnh niềm vui, tự hào tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình là cần phải tuyên truyền, truyền dạy cho thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu, biết đánh được cồng chiêng, thuộc lời khan, điệu Kưứt, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của ông cha để lại…”, già Y Wang chia sẻ.
Tương tự, già Y Bhiông Niê (tên thường gọi là Ama Loan) ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng luôn tâm huyết với việc gìn giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.
Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Y Kô N
|
Hiểu được rằng, điều cốt lõi, quan trọng nhất của việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là phát huy được nội lực của cộng đồng, do vậy già Y Bhiông Niê trăn trở làm thế nào để tuyên truyền, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng, để họ tự nhận thấy việc gìn giữ, bảo tồn là việc của chính bản thân mình và thực sự “sống” cùng các nét văn hóa ấy...
Là nghệ nhân được kính trọng của buôn làng, với những hiểu biết, vốn sống và tài năng của mình, bên cạnh việc chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, già Y Bhiông Niê còn tích cực “truyền lửa” gìn giữ văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ và những ai yêu mến tìm hiểu…
Giờ đây, tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng mỗi khi được mời tham dự các lớp dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng hay làm nhạc cụ già Y Bhiông Niê vẫn miệt mài truyền dạy. Trong năm 2019, già Y Bhiông Niê vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Già Ama Loan chia sẻ niềm vui: “Nhận phần thưởng cao quý này tôi rất vui và tự hào. Để xứng đáng với điều đó, với trách nhiệm của bản thân, cho đến khi vẫn còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục chế tác nhạc cụ, dạy chỉnh chiêng, dạy đánh chiêng và tuyên truyền mọi người cùng giữ gìn, để văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một…”.
Già Y Wang Hwing và Y Bhiông Niê là hai trong số 24 nghệ nhân của Đắk Lắk được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2019. Việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú không chỉ là vinh dự cho bản thân các nghệ nhân mà còn là niềm tự hào của cộng đồng; góp phần tôn vinh những đóng góp, cống hiến, đồng thời khích lệ, động viên các nghệ nhân tích cực tham gia công tác bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa truyền thống tại cộng đồng.
Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Y Kô Niê cho biết, nếu như năm 2017 - năm đầu tiên Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 1 nghệ nhân được công nhận, thì năm 2019 với 24 nghệ nhân được công nhận, nâng tổng số Nghệ nhân Ưu tú tại Đắk Lắk lên 25 người. Điều này không chỉ thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước với những cống hiến của các nghệ nhân, nó còn giúp các nghệ nhân nhận thức đúng vai trò, trọng trách của mình để xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy…
Lan Anh