Nỗi lòng của người nghệ nhân già ở buôn M'Briu
Ngày đăng: 23/02/2020 17:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/02/2020 17:17
Hơn 30 năm gìn giữ và truyền dạy cho con cháu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, Nghệ nhân Ưu tú Y Đưng Niê (Ama H’Rưn), buôn M’Briu, xã Cư Huê, (huyện Ea Kar) chỉ mong sao thế hệ con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ phát huy, không để bị mai một và mất đi.
Nghệ nhân Ama H’Rưn (sinh năm 1926) được xem như "báu vật sống" của buôn M’Briu. Bởi ngoài vốn kiến thức về văn hóa, tập tục… của người Êđê, ông còn biết chế tác, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đing năm, đing buốt, ky pah, đing tak ta, diễn tấu cồng chiêng… đặc biệt là hát dân ca, những điệu hát Ay ray, hát Kưứt. Để có được vốn kiến thức về văn hóa nói chung và âm nhạc dân gian đồ sộ như vậy, nghệ nhân Ama H’Rưn luôn trau dồi, học hỏi suốt bao năm qua.
Ông kể: “Thời thiếu niên, khi thấy anh em họ hàng chơi nhạc cụ, đánh chiêng tôi rất thích, càng nghe càng thấy đam mê nên cứ cặm cụi theo học. Mỗi lần đi các buôn khác, thấy họ chơi hay tôi lại để ý nhằm tiếp nhận những điểm hay của họ và khắc phục những điểm yếu của bản thân. Nhờ vậy, tôi dần dần biết sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình”. Để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, nghệ nhân Ama H’Rưn còn tự tay chế tác ra nhạc cụ, "thổi hồn" cho từng sản phẩm.
Niềm hạnh phúc của một người nghệ nhân đó chính là được cống hiến. Ama H’Rưn trân trọng điều đó, vì vậy mỗi khi có lời mời biểu diễn trong các chương trình lễ hội từ buôn đến xã, huyện… dù lớn hay nhỏ, ông đều tham gia rất nhiệt tình. Ông đã từng tham gia và đoạt giải tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng, dân ca dân vũ, lễ hội và Liên hoan Văn hóa Thể thao 31 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Ea Kar; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk…Với ông, hát Ay ray, hát Kưứt chính là cách trò truyện với người thân, bạn bè, thậm chí là cố nhân bằng âm nhạc. Tiếng hát bỏ ngỏ, tự sự in sâu vào lòng mỗi người. Ông tâm sự rằng bây giờ tuổi đã cao, không còn sức khỏe, sự tinh nhanh để đi biểu diễn ở xa nữa, nhưng vẫn tiếp tục trình diễn tại nhà, hát cho người thân, làng xóm, bạn bè nghe. Thậm chí, hằng ngày hát Ay ray xong ông mới chịu đi ngủ.
Năm 2019 ông Y Đưng Niê đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. |
Tiếng sáo, tiếng hát cũng chính là cầu nối để Ama H’Rưn chinh phục người vợ từ thời trẻ và cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Amí H’Rưn (vợ của nghệ nhân) chia sẻ, trước đây khi còn trẻ cũng chính vì mê tiếng hát, tiếng thổi sáo của ông mà bà đem lòng yêu thương. Khi về chung sống, dù nghệ nhân đi biểu diễn khắp nơi, công việc nương rẫy đôi khi bị bỏ bê nhưng bà vẫn luôn ủng hộ không một lời than vãn. Những thanh âm trầm bổng, réo rắt ấy còn là "gia vị" giúp gia đình ông, bà thêm hạnh phúc cho đến tận ngày nay.
Dù tuổi cao, nhưng nghệ nhân Ama H’Rưn vẫn miệt mài dạy dỗ những lớp học trò theo học đánh chiêng, thổi sáo, hát Ay ray… Đó không chỉ là trách nhiệm mà chính là nỗi lòng của người nghệ nhân già với mong muốn con cháu luôn phải nhớ về nguồn cội, nhớ về truyền thống của gia đình, của dân tộc mình.
Mai Sao