Vai trò của quân và dân Đắk Lắk trong chiến dịch Tây Nguyên (Bài 1)
Ngày đăng: 09/03/2020 13:44
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/03/2020 13:44
Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân cả nước, quân và dân Đắk Lắk tự hào đã đóng góp trực tiếp, to lớn vào chiến công lịch sử này.
Bài 1: Quân và dân Đắk Lắk trước thời cơ lịch sử
Tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Từ sự phân tích, đánh giá một cách khoa học những vấn đề có liên quan đến tương quan lực lượng, sự thay đổi mau lẹ của tình hình giữa ta và địch, Bộ Chính trị hạ quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kịp thời tranh thủ thời cơ, dốc sức giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về mặt quân sự, là chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn của ta năm 1975.
Qua nhiều lần nghiên cứu, khảo sát, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu, đầu tiên của Chiến dịch Tây Nguyên. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra bàn đạp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.
Đầu tháng 2-1975, đồng chí Bùi San, đại diện Thường vụ Khu ủy 5 vào truyền đạt cho Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về việc chọn Buôn Ma Thuột làm trận đột phá mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Phối hợp với kế hoạch quân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiến hành nhiều phiên họp, ra nghị quyết và bàn các biện pháp phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Theo đó, Tỉnh ủy đã quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trước hết là các cấp ủy đảng phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trước thời cơ lịch sử. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến hành rất khẩn trương. Tỉnh ủy, Tỉnh đội đã họp nhiều lần để bàn, xác định kế hoạch tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh, đặc biệt là trên các địa bàn trọng điểm: Buôn Ma Thuột, Đức Lập (Đắk Min), Cẩm Gar - Thuần Mẫn (Ea H’leo), Đức Xuyên, Lạc Thiện (Lắk). Đồng thời, dự kiến và có kế hoạch hướng phát triển theo các trục đường số 14, 21 (nay là Quốc lộ 26) khi có thời cơ thuận lợi. Tỉnh điều động cán bộ ra phía trước tập trung cho thị xã và các huyện, thành lập Ban chỉ huy trọng điểm của tỉnh, phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy xuống tham gia chỉ đạo hoạt động ở các huyện. Củng cố và phát huy vai trò của các đội vũ trang công tác, khôi phục và mở rộng các cơ sở quần chúng, tạo hành lang và bàn đạp cho các vùng sâu, vùng yếu, vùng tiếp cận đô thị.
Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thị ủy Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ dân vận, phát động quần chúng áp sát vào thị xã để làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, dẫn đường liên lạc, làm công tác vận động binh lính, gọi hàng, trình diện, phục vụ chiến đấu và nổi dậy của quần chúng với khẩu hiệu hành động là “Tất cả cho phía trước, tất cả để giành thắng lợi”.
Tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập một đội vận động chính trị gồm 83 đồng chí, do đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột phụ trách. Thành viên của đội được tuyển chọn từ các cán bộ, chiến sĩ ở các ban, ngành, các đơn vị trong tỉnh, có những đồng chí đã tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ở Buôn Ma Thuột, tổ chức tập huấn phương pháp công tác. Nhiệm vụ của đội là phối hợp với đòn tiến công quân sự, lãnh đạo quần chúng trong nội thị nổi dậy, giành quyền làm chủ. Giáo dục ổn định tư tưởng quần chúng bám trụ tại nhà, không chạy theo địch, giúp bộ đội đánh địch, truy lùng ác ôn, tham gia xây dựng chính quyền ở cơ sở… Sử dụng Tiểu đoàn Bộ binh 301 (thiếu đại đội 1) và Tiểu đoàn Đặc công 401 đánh chiếm quận lỵ Lạc Thiện, Đức Xuyên. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 301 vào nội đô, làm nhiệm vụ tảo trừ quân địch, hỗ trợ đội chính trị hoạt động. Đại đội 303 cùng với lực lượng vũ trang Cheo Reo (Ayun Pa) hoạt động ở đường số 7.
Chuẩn bị kế hoạch tiếp quản Buôn Ma Thuột, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ủy ban Quân quản do đại tá Y Blốk Êban làm Chủ tịch, đồng chí Lê Chí Quyết làm Bí thư. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chuẩn bị chiến trường trên 4 khu vực: Đức Xuyên, Phê Tih, Đầm Ròn, Lạc Thiện gồm 43 mục tiêu. Về cơ sở vật chất, tuy tỉnh nhận được lượng bổ sung của trên nhưng đã huy động khả năng tại chỗ, bảo đảm cho bộ đội hoạt động trên các hướng trọng điểm. Huy động 125 du kích vận chuyển vũ khí, thương binh, phục vụ chiến đấu. Triển khai một đội phẫu thuật tiền phương và 50 giường cứu chữa thương binh.
Đầu tháng 3-1975, mọi công tác chuẩn bị đã xong, lực lượng tỉnh tập trung ở trọng điểm Đức Xuyên gồm 2D và 1C trợ chiến, cùng với bộ đội huyện và du kích để sẵn sàng chờ lệnh.
(Còn nữa)
Duy Linh
Nguồn: Báo Đắk Lắk