Kỳ vĩ di tích lịch sử Hang đá Ba tầng
Ngày đăng: 22/03/2020 21:35
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/03/2020 21:35
Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (buôn Trang Yôk, xã Krông Nô, huyện Lắk) nằm sâu trong ngọn núi Yốk Sâm - một trong 4 ngọn núi cao ở huyện Lắk với địa hình hiểm trở.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là địa điểm hoạt động cách mạng của Đội công tác phát động quần chúng, xây dựng căn cứ Khu VI (Đội công tác), Đội du kích A1- H10 (Đội du kích); cũng là nơi trú ẩn của đồng bào M’nông ở các buôn Liêng Krăk, Yông Hắt, Dôt Rpưl khi địch càn quét .
Đường dẫn đến khu vực hang đá Ba tầng một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu với những cây cổ thụ và lồ ô, cỏ dại che kín; lên gần đến đỉnh núi có tre, nứa đan thành mái vòm che kín đường, tạo nên vẻ hoang sơ, hùng vĩ cho cảnh quan xung quanh di tích. Theo lời kể của đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy thì trước đây, bao quanh hang đá là vùng rẫy của đồng bào M’nông với lùm bụi nhỏ, riêng khu vực gần hang lại có nhiều cây cao tươi xanh quanh năm, có nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau, tạo nên nhiều hang hốc. Từ trên những khối đá cao nhất xuống tới đáy sâu khoảng 10 mét, hình thành nhiều tầng (gọi là hang ba tầng) có sức chứa khoảng 100 người.
Tầng thứ nhất được tạo thành bởi 2 tảng đá lớn, đỉnh chụm vào nhau tạo thành lòng hang hình tam giác với bề rộng của mặt đáy khoảng 3 mét, đứng tại vị trí này có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng thung lũng và đỉnh núi. Chính bởi ưu thế đó nên Đội công tác phát động quần chúng và xây dựng căn cứ Khu VI do đồng chí Ama H’Oanh lãnh đạo đã chọn nơi này làm địa điểm họp hành, hoạt động cách mạng trong những năm 1962 – 1963.
Tầng thứ hai cách tầng thứ nhất khoảng 3 mét, có nhiều tảng đá lớn kê chồng lên nhau tạo thành những hang hốc nhỏ. Đây là nơi Đội công tác và Đội du kích bám trực bảo vệ dân. Đội viên trong Đội du kích đã dùng những dây leo rừng bện vào nhau để tạo thành những chiếc thang dây, giúp cho việc di chuyển lên xuống tầng thứ nhất được dễ dàng, thuận tiện hơn; dùng tre, nứa làm các sạp nằm để nghỉ ngơi, thay nhau trực, canh gác bảo vệ cho Đội công tác và bà con trú ẩn trong tầng hang thứ ba.
Tầng thứ ba của hang đá được nối thông với tầng thứ hai bởi một con đường nằm giữa những tảng đá, tựa như địa đạo với chiều dài khoảng 3 mét, cao 1,2 mét. Hết đoạn địa đạo, lòng hang mở rộng và cao hơn hẳn. Đáy hang rộng khoảng 50 – 60 m2, mái hang được các tảng đá lớn cao 8 - 10 mét che kín, duy nhất chỉ có góc phía Tây Nam là có một tảng đá cao 2,5 mét tạo ra một khoảng trống để lấy ánh sáng rọi vào hang (chính nhờ khoảng trống này của hang đã tạo thành đường thoát lui an toàn cho Đội du kích, nhân dân trong hang khi bị địch tấn công, đánh phá ). Đây cũng là nơi trú ẩn của hàng trăm người dân 3 buôn đồng bào M’nông xã Krông Nô khi địch tấn công càn quét. Một nửa lòng hang được xếp bằng những tảng đá cao khoảng 2 mét, đồng bào đã chặt cây rừng, tre nứa kê lên để làm sạp nằm. Điều đặc biệt, một nửa lòng hang còn lại là bãi cát mịn với dòng suối nhỏ chảy qua ngay giữa hang, đây là bãi cát do nguồn nước mạch đầu khe suối bồi nên nguồn nước ngầm rất trong và mát lạnh; đồng bào, Đội công tác, Đội du kích đều lấy nước tại dòng suối để ăn uống, sinh hoạt.
Hiện nay, toàn bộ vùng hang đá Ba tầng nằm dưới lòng thung lũng sâu, cách đỉnh núi khoảng 70 mét và được nhiều cây cổ thụ, vách đá to che khuất. Ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử Hang đá Ba tầng còn có giá trị thẩm mỹ, khoa học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thực vật phong phú, đa dạng. Đây là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, chinh phục, khám phá...
Địa điểm hang đá còn là nơi tổ chức kết nạp Đảng cho các đồng chí cán bộ, du kích A1 – H10; tổ chức ăn tết đầu Xuân 1963 cho đồng bào M’nông trú ẩn trong hang. Đây chính là một trong những thành công của các chiến sĩ cách mạng trong công tác vận động nhân dân ở huyện Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ánh Ngọc
c