Tây Nguyên trên gốm...
Ngày đăng: 10/04/2020 09:57
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/04/2020 09:57
Những cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống đến phong tục tập quán và con người… của vùng đất Tây Nguyên hiện diện trên các bình gốm do nhà sưu tập (NST) trẻ Võ Minh Luân (SN 1985 tại TP. Buôn Ma Thuột) sưu tầm khiến người xem không khỏi ngạc nhiên và thán phục.
Không chỉ là cơ duyên
NST Võ Minh Luân tham gia sưu tầm cổ vật năm 2013, hiện là hội viên Câu lạc bộ Nghiên cứu và sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên, anh Luân luôn khao khát tìm hiểu văn hóa vùng đất này. Cơ duyên đến với anh vào năm 2017, khi được tham gia buổi giao lưu về gốm Nam Bộ tại Bình Dương.
Tại đây, anh Luân được chiêm ngưỡng cặp chân đèn gốm Biên Hòa có hoa văn về Tây Nguyên như nhà dài, phụ nữ giã gạo, đàn ông uống rượu cần… Nhìn tác phẩm đó, anh cảm nhận như cả vùng đất Tây Nguyên đang hiện diện trước mắt mình. Qua tìm hiểu, anh được biết, đây là dòng gốm Biên Hòa mô tả cuộc sống đồng bào Tây Nguyên xưa; có lẽ cũng là dòng gốm Việt Nam duy nhất có hoa văn thể hiện chủ đề này.
Theo đó, những học viên thuộc ban gốm (Trường Mỹ thuật Biên Hoà) đã có chuyến đi thực tế tại Tây Nguyên và họ đã để lại “hồn cốt” Tây Nguyên qua những “bài tốt nghiệp” của mình trên đồ gốm và đồ đồng. Từ cơ duyên này cộng với tình yêu mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, đã thắp lên trong anh ngọn lửa sưu tầm, nghiên cứu về dòng gốm liên quan đến Tây Nguyên.
Trong các dòng gốm được sưu tầm, anh sưu tầm nhiều nhất về chóe. Bởi người dân Tây Nguyên thường dùng choé trong đời sống hàng ngày để chứa rượu cần, nước uống, gạo hoặc dùng trong đời sống tâm linh để cúng thần linh qua các lễ hội, “chia của” cho người thân khi họ quá cố... Nhưng nhiều thập niên trước, cùng với cồng chiêng, chóe Tây Nguyên cũng không tránh khỏi hiện tượng "chảy máu cổ vật”. Với tâm nguyện muốn bảo tồn về hình ảnh chiếc chóe Tây Nguyên, ít nhất là trên đồ gốm, anh Luân đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của sưu tầm các dòng choé cổ Việt Nam có hình tượng về Tây Nguyên. Đến nay, bộ sưu tập của anh có hàng trăm chiếc chóe từ Châu Ổ, Gò Sành, đến Quảng Đức... và hàng nghìn hiện vật có hình dáng, hoa văn hoặc công năng liên quan đến Tây Nguyên, được anh đặt tên là "Đại ngàn".
Mỗi hiện vật là một câu chuyện
NST Võ Minh Luân dành toàn bộ ngôi nhà của mình tại số 10 Hải Triều (TP. Buôn Ma Thuột ) và gọi tên là “Đại ngàn house” để trưng bày hiện vật. Không gian trưng bày 500 m2 chưa phải là rộng lớn, nhưng lại là nơi lịch sử, văn hóa Tây Nguyên được quay về nhiều trăm năm trước với những món đồ xưa cũ. Đặc biệt, mỗi hiện vật là một câu chuyện về văn hóa, lịch sử hình thành hoặc cơ duyên khi nó hiện hữu tại nơi đây.
Đơn cử như bình gốm về tích “Săn bắn thú rừng”, có xuất xứ từ Bình Dương/Biên Hoà; niên đại: Thập niên 1980 - Thế kỷ XX. Qua những hình ảnh trên bình gốm, người xem có thể hình dung ra cuộc sống cũng như cảnh săn bắt của người dân sống tại Tây Nguyên lúc bấy giờ. Chính anh Luân đã sáng tác ra bài thơ để chia sẻ về tích săn bắn trên bình gốm này: “…Như truyện cổ tích xưa/Vua dân cùng săn bắn/Đem cúng cho thần linh/Rồi chia thịt cả buôn/Ăn cho no cái bụng/Còn dư thì treo bếp/Dành để đãi khách quý…”.
Gần 10 năm tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn vật, NST Minh Luân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Anh tham gia trưng bày và hiến tặng cổ vật cho bảo tàng các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương, An Giang, TP. Hồ Chí Minh… |
Hay như bức tượng “Cô gái Tây Nguyên ngực trần mang gùi”, xuất xứ từ dòng gốm Biên Hòa/Bình Dương, có niên đại ở khoảng thập niên 1950-1970 (Thế kỷ XX), sau khoảng 50 năm “du ngoạn”, nó lại trở về với Tây Nguyên. Bức tượng có hình cô gái đang mang gùi, màu trắng sữa nõn nà, nét mặt vui tươi, tai đeo khoen tròn, đôi bầu vú để trần căng như hình ảnh các cô gái Tây Nguyên thời hoang sơ. Mục đích để trần như vậy được những người lớn tuổi giải thích là khi gặp thú dữ, đôi bầu vú như hai chiếc sừng, thú dữ thấy là sợ bỏ chạy. Thế nên, hình tượng bầu ngực của người phụ nữ Tây Nguyên được linh thiêng hoá thông qua các dụng cụ, đồ dùng hàng ngày của họ như khắc trên cột nhà, cầu thang cái, cồng chiêng… NST Minh Luân tâm sự: “Bức tượng được NST Nguyễn Khiêm (Nam Định) lưu giữ từ năm 1977. Hiện nay, bác Khiêm đã già nên hữu duyên để lại cho tôi, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập “Đại ngàn” và giữ gìn nó tại mảnh đất Tây Nguyên. Đây cũng là bức tượng có kích thước to nhất trong bộ sưu tập của tôi”.
Trong hành trình sưu tầm, nghiên cứu các hiện vật về văn hóa Tây Nguyên của anh Luân có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi một câu chuyện, sự kiện hay sự hữu duyên anh có được các hiện vật về Tây Nguyên, chính là động lực giúp NST trẻ nuôi dưỡng đam mê. Anh Luân hy vọng sẽ tạo ra được một không gian nghệ thuật về Tây Nguyên rộng hơn “ Đại ngàn house”, để người dân Tây Nguyên và du khách khắp mọi miền có một điểm đến để tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên xưa và nay.
Mai Sao